Sau đại dịch, mong muốn “tổ chức quan tâm tới hạnh phúc của người lao động” tăng cao ở nhân viên thuộc mọi thế hệ. Đối với thế hệ Millennials và thế hệ Z — đây là kỳ vọng lớn nhất đối với lãnh đạo doanh nghiệp. Có lẽ chúng ta phải đồng ý rằng, việc nâng cao trải nghiệm và cải thiện chất lượng sống của nhân viên là một trong những ưu tiên chiến lược hàng đầu ở thời điểm hiện tại và cả trong tương lai.
Dưới đây là 10 “best practices” nhằm cải thiện mức độ hạnh phúc của nhân viên một cách hiệu quả được Gallup khuyến nghị:
1. Lãnh đạo truyền đạt thông điệp về tầm quan trọng của hạnh phúc
Doanh nghiệp không chỉ cần quan tâm tới sức khỏe thể chất mà còn cần chú tâm tới sức khỏe tinh thần và các khía cạnh khác quyết định chất lượng sống của nhân viên như tài chính, hòa nhập cộng đồng hay các mối quan hệ xã hội.
Những sáng kiến kinh doanh nhằm cải thiện hạnh phúc của nhân viên nên được khởi xướng bởi CEO. Và bạn cũng cần lưu ý rằng năm yếu tố hạnh phúc (sự nghiệp, quan hệ xã hội, tài chính, thể chất, cộng đồng) có mối tương quan chặt chẽ với nhau, do đó các chương trình nhằm cải thiện hạnh phúc của nhân viên cần đồng thời hướng tới nhiều yếu tố để đảm bảo sự toàn diện và hiệu quả.
2. Định hình và chia sẻ một định nghĩa chung, nhất quán về “hạnh phúc”
Doanh nghiệp cần đưa ra một định nghĩa chính xác, toàn diện về “hạnh phúc” để có thể hành động một cách có hiệu quả. Như đã đề cập ở trên, mô hình 5 yếu tố hạnh phúc của Gallup (sự nghiệp, quan hệ xã hội, tài chính, thể chất, cộng đồng) là một gợi ý hay giúp doanh nghiệp định hình các chương trình, chính sách phúc lợi cho nhân viên.
Khi đưa ra các sáng kiến nhằm cải thiện hạnh phúc của nhân viên, hãy đối chiếu xem liệu nhu cầu nào đang được thỏa mãn. Hay khi truyền thông nội bộ về các chương trình phúc lợi, hãy truyền tải rõ ràng rằng doanh nghiệp đang nỗ lực để cải thiện khía cạnh nào thuộc năm khía cạnh trong đời sống của người lao động.
3. Duy trì sự trao đổi với mọi nhân viên
Các chương trình nhằm cải thiện và duy trì hạnh phúc của nhân viên đều cần sự tham gia của người quản lý trong việc kết nối và đồng hành cùng nhân viên cấp dưới. Ở mức cơ bản, quản lý nên duy trì việc trao đổi với nhân viên thông qua trò chuyện hàng ngày hoặc ghé thăm — tối thiểu là một tuần một lần với từng thành viên trong nhóm. Quản lý có thể dựa vào năm yếu tố hạnh phúc của Gallup để khai thác thông tin và hiểu nhân viên tốt hơn.
4. Lãnh đạo làm gương
Một trong những cách hữu hiệu nhất để cải thiện hạnh phúc của một cá nhân là được ở cạnh những người có các quyết định, lối sống khỏe mạnh, cân bằng. Đối với một tổ chức, lãnh đạo và quản lý cần làm gương để cấp dưới học tập và tiếp tục lan tỏa những hành vi tích cực. Nhưng không chỉ dừng lại ở cấp độ cá nhân, doanh nghiệp còn có thể nâng cao mức độ hạnh phúc của nhân viên bằng việc áp dụng những tiêu chuẩn văn hóa trong trong tổ chức: xoay quanh cách nhân viên ăn uống (đồ ăn ở bếp ăn, canteen có lành mạnh hay không?), cách nhân viên vận động (nhân viên có được quản lý khuyến khích luyện tập thể thao sau giờ làm việc hay nghỉ ngơi, đi bộ giữa giờ?), và cả cách nhân viên tương tác, cư xử với đồng nghiệp.
5. Quan tâm tới cả gia đình của nhân viên
Đây là một trong những sáng kiến hiệu quả được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Các hoạt động như chạy bộ, tình nguyện, khóa học dinh dưỡng, v.v. đều có thể được mở rộng để khuyến khích người nhà của nhân viên tham gia. Qua đó, bạn có thể cải thiện sự hạnh phúc của cả nhân viên và những người họ yêu quý.
6. Giới thiệu lại các chương trình phúc lợi cho nhân viên
Chỉ một phần ba nhân viên ở các công ty lớn tham gia các chương trình chăm sóc đời sống của nhân viên, dựa theo kết quả nghiên cứu của Gallup. Do đó, lãnh đạo không nên mặc định rằng nhân viên hiểu được hết những quyền lợi mà doanh nghiệp cung cấp. Sau thời điểm đại dịch, doanh nghiệp lại càng cần sửa đổi, giới thiệu lại các gói phúc lợi cho nhân viên và khuyến khích họ tham gia các hoạt động nhằm cải thiện chất lượng sống.
7. Đánh giá một cách khoa học mức độ hiệu quả của các chương trình phúc lợi
Việc liên tục đánh giá sự phổ biến, mức độ hiệu quả và giá trị mà các chương trình phúc lợi đem lại cho nhân viên là điều hết sức cần thiết. Đặc biệt là trong bối cảnh hậu Covid, khi ưu tiên và mong muốn của người lao động được tái định hình, thì hoạt động đánh giá này lại càng mang ý nghĩa quan trọng.
8. Nâng cao mức độ gắn bó của nhân viên với tổ chức
Sự gắn bó của nhân viên với tổ chức luôn tỷ lệ thuận với mức độ hạnh phúc của nhân viên tại nơi làm việc và ngược lại, những nhân viên gắn bó với doanh nghiệp sẽ hạnh phúc hơn. Các nghiên cứu thực tế cũng chỉ ra rằng những nhân viên gắn bó với doanh nghiệp sẽ chia sẻ thành thật, thoải mái về mức độ hạnh phúc của bản thân hơn.
9. Kết nối nhân viên với những đồng nghiệp có khả năng tạo ra ảnh hưởng về lối sống
Tổ chức cần những chuyên gia thuộc các lĩnh vực như thể chất, quản lý tài chính cá nhân, dinh dưỡng, tình nguyện v.v., với mục đích cung cấp nguồn lực chuyên môn cho nhân viên. Nhưng bạn không tìm đâu xa — vì những chuyên gia gần gũi, có khả năng truyền cảm hứng nhất đối với viên nhân viên chính là những người đồng nghiệp. Mọi tổ chức đều có những nhân viên sở hữu khả năng kết nối và tạo ra ảnh hưởng tích cực về suy nghĩ, lối sống đối với những người xung quanh — hãy trọng dụng họ.
10. Khai thác sở thích, thế mạnh của nhân viên
Những cuộc trò chuyện thoải mái xoay quanh chủ đề hạnh phúc chỉ có thể diễn ra tự nhiên dựa trên nền tảng niềm tin. Do đó để bắt đầu, quản lý có thể khơi gợi những câu chuyện xoay quanh điểm mạnh và sở thích của nhân viên để thể hiện sự quan tâm và xây dựng được ngôn ngữ chung. Bởi mỗi cá nhân nên thực hành việc nâng cao hạnh phúc dựa trên sở trường của bản thân hơn là chạy theo số đông. Sau khi có được sự thấu hiểu cần thiết, quản lý và đồng nghiệp với tư cách là người ảnh hưởng có thể đưa ra các chỉ dẫn, lời khuyên phù hợp và hiệu quả nhất dành cho nhân viên.
Nỗ lực nâng cao hạnh phúc của nhân viên nên được doanh nghiệp áp dụng xuyên suốt hành trình trải nghiệm nhân viên — từ giai đoạn thu hút nhân tài, onboarding, gắn kết nhân tài, quản trị thành tích, phát triển nhân tài cho đến khi nhân viên rời công ty. Với những gợi ý đơn giản nhưng hiệu quả ở trên, việc xây dựng văn hóa hạnh phúc sẽ không nằm ngoài tầm với của doanh nghiệp của bạn.
bởi TalentSite Editorial Team
11/7/2022
Getty Images
TalentSite Editorial Team
Cảm ơn anh/chị đã quan tâm.
Chúng tôi sẽ liên hệ với anh/chị trong 8 giờ tới.