Nói đến Nhân tài là đề cập tới con người — nhân viên trong tổ chức và cách họ liên tục trau dồi năng lực (kiến thức, kỹ năng, khả năng) và phát triển tình cảm (sự cam kết, gắn bó) nhằm thực hiện công việc.
1. Lập kế hoạch theo nhiệm vụ
Trọng tâm của quản trị nhân tài là đặt đúng người với đúng kỹ năng vào đúng vị trí, đúng thời điểm. Trước đây, các công ty nỗ lực thực hiện điều này bằng việc xây dựng kế hoạch nguồn lực nhằm đảm bảo có đủ nhân viên chính thức cho các vị trí, công việc cần thiết. Sau đó, nguồn lực để hoàn thành công việc trong các tổ chức có sự tham gia của nhóm lao động theo hợp đồng ngắn hạn, hay các chuyên gia, tư vấn tự do bên ngoài tạo thành “hệ sinh thái nguồn lực”, đồng thời tập trung vào nhóm kỹ năng cần thiết để hoàn thành công việc thay vì các vị trí riêng biệt. Và gần đây, nhờ những đột phá trong công nghệ, nhiều đầu việc có thể được hoàn thành bởi công nghệ, trí tuệ nhân tạo thay vì hoàn toàn do con người phụ trách. Vì vậy, thay vì lập kế hoạch nguồn lực (workforce planning), các tổ chức chuyển sang xu hướng lập kế hoạch nhiệm vụ công việc (work task planning) sử dụng con người và công nghệ một cách linh hoạt để hoàn thành từng đầu việc.
2. Quan tâm đến cảm xúc của nhân viên
Cảm xúc của nhân viên bao gồm thái độ, cảm nhận đối với tổ chức. Hiện nay, các tổ chức đều đề cao trải nghiệm nhân viên nhằm giúp nhân viên cảm thấy hạnh phúc hơn và cải thiện sức khỏe tinh thần khi cảm thấy được an toàn, tin tưởng và gắn bó hơn giữa những biến động và thách thức toàn cầu.
3. Duy trì sự đa dạng, bình đẳng, và hòa nhập một cách bền vững
Chủ đề này đã trở thành chương trình lớn đối với cả lãnh đạo doanh nghiệp và phòng Nhân sự. Theo nghiên cứu của RBL Group, những tổ chức đề cao sự đa dạng, bình đẳng và hòa nhập đều thu được kết quả kinh doanh cao hơn. Vì vậy, Đa Dạng, Bình Đẳng và Hòa Nhập không còn là một chính sách mong muốn áp dụng, mà cần được hiện thực hóa trong mọi quy trình vận hành, chiến lược của tổ chức. Và gần đây, nó trở thành cam kết mà mọi tổ chức phát triển bền vững theo đuổi.