1. Khuyến khích nhân viên tận dụng thế mạnh của mình
Khi nhân viên có thể tận dụng thế mạnh trong công việc hàng ngày, họ sẽ cảm thấy hài lòng hơn với nơi làm việc và được trang bị tối ưu để thể hiện tốt trong công việc. Cách tiếp cận hiệu quả nhất là hãy
nâng cao hệ thống quản trị thành tích bằng việc chú trọng vào thế mạnh của nhân viên.
2. Thúc đẩy sự tin tưởng giữa lãnh đạo và nhân viên
Niềm tin giữa lãnh đạo và nhân viên là nền tảng rất quan trọng để có một tổ chức có văn hóa gắn kết. Để xây dựng nền tảng niềm tin, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực giao tiếp và truyền đạt của đội ngũ lãnh đạo, tạo ra sự nhất quán trong giá trị và biểu hiện hành vi xuyên suốt tổ chức và
đề cao văn hóa phản hồi. Khi có được niềm tin của nhân viên, chắc chắn doanh nghiệp sẽ ghi nhận mức gắn bó tăng cao.
3. Truyền đạt về chiến lược của tổ chức trong tương lai
Khi lãnh đạo minh bạch trong việc truyền đạt chiến lược tới nhân viên, nhân viên sẽ hiểu được mục tiêu dài hạn của tổ chức và cách thức để đi tới mục tiêu. Nhân viên cũng sẽ hình dung được vai trò của họ trong bức tranh chung và cảm thấy bản thân có năng lực và công việc thêm phần ý nghĩa.
4. Thiết kế công việc thách thức và tạo ra sự hứng khởi cho nhân viên
Vai trò công việc của nhân viên nên có tính chất thách thức nhưng vẫn phù hợp với sở thích của họ — từ đó có thể kích thích sự tập trung trong công việc và sự phát triển trong năng lực của nhân viên. Nếu nhân viên cảm thấy công việc hiện tại không thú vị, chắc chắn mức độ gắn bó của họ cũng sẽ giảm. Vì vậy, quản lý hãy thường xuyên đặt câu hỏi và lắng nghe để hiểu được nguyện vọng trong công việc của cấp dưới.
5. Coi trọng giá trị lao động của nhân viên
Lãnh đạo có thể thể hiện sự trân trọng của mình đối với đội ngũ nhân viên thông qua việc tạo ra văn hóa ghi nhận; thiết kế chính sách lương thưởng công bằng, phản ánh khách quan mức độ đóng góp của nhân viên; và hỗ trợ nhân viên cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Khi đó, chắc chắn nhân viên sẽ cảm nhận được sự chân thành của ban lãnh đạo doanh nghiệp.
6. Lắng nghe góp ý từ nhân viên
Nhân viên có rất nhiều điều muốn chia sẻ về văn hóa tổ chức. Bởi xét cho cùng, họ là người trải nghiệm văn hóa hàng ngày. Hãy thường xuyên triển khai khảo sát nhanh để thu thập ý kiến và quan điểm của nhân viên về văn hóa tổ chức, từ đó bạn sẽ biết được những điểm cần cải thiện trong trải nghiệm nhân viên để nâng cao mức độ gắn bó.
7. Thể hiện sự trân trọng đối với nhân viên
Nhân viên rất muốn biết nỗ lực hàng ngày của họ tác động như thế nào đến kết quả chung của doanh nghiệp. Khi lãnh đạo và quản lý thường xuyên phản hồi thành tích và ghi nhận nhân viên đúng cách, họ sẽ cảm nhận được giá trị của bản thân và kết nối hơn với tổ chức.
8. Vạch ra các cơ hội phát triển cho nhân viên
Nhân viên muốn nhìn thấy tương lai của họ tại tổ chức. Nếu không, họ sẽ có rất ít động lực để cố gắng hết mình trong công việc hiện tại. Vì vậy, hãy vạch ra các cơ hội phát triển cho nhân viên; liên tục phản hồi nhằm giúp nhân viên tiến bộ và phát triển trong sự nghiệp; đồng thời ưu tiên cho tuyển dụng nội bộ. Có vậy, dọc theo từng bước chân trưởng thành của nhân viên, họ lại càng cảm thấy gắn bó với nơi làm việc.
9. Đề cao sự chính trực
Lãnh đạo cần nói được làm được. Đây là nền tảng quan trọng để nhân viên thêm tin tưởng và gắn bó với doanh nghiệp. Khi đó, nhân viên cũng có những hình mẫu trong tổ chức để noi theo trong việc giữ đúng cam kết trong công việc.
10. Cung cấp cho nhân viên chỉ dẫn và hỗ trợ
Khi nhân viên lạc lối hoặc thiếu đi định hướng trong công việc, họ cần sự chỉ dẫn từ lãnh đạo và quản lý. Vì vậy, doanh nghiệp cần đảm bảo quản lý thường xuyên triển khai phản hồi kịp thời cho nhân viên nhằm giữ nhân viên đi đúng hướng và bắt kịp với những khó khăn và thách thức trong công việc của họ.