1. Tuyển đúng người
Tuyển dụng hiệu quả giữ vai trò rất quan trọng trong chiến lược giữ chân nhân tài. Một ứng viên tiềm năng phải có giá trị sống, mục tiêu, thậm chí là tính cách phù hợp với văn hóa tổ chức của doanh nghiệp bạn; vừa đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng trong công việc. Vì vậy, hãy hình dung thật rõ về chân dung ứng viên cho từng vị trí công việc để thu hẹp những khoảng trống không đáng có giữa vai trò công việc và năng lực của ứng viên.
2. Xây dựng chương trình đào tạo hội nhập
Đào tạo hội nhập là đòn bẩy cần thiết giúp nhân viên thể hiện tốt trong công việc. Một chương trình đào tạo hội nhập hiệu quả cần giúp nhân viên hiểu được về công việc và văn hóa tổ chức. Nếu không có thông tin này, nhân viên sẽ cảm thấy xa cách với nơi làm việc và không hình dung được vai trò của họ trong bức tranh chung, đồng thời không có đủ trang bị để làm tốt nhiệm vụ của mình.
3. Cung cấp trải nghiệm “Mentorship” cho nhân viên
Cố vấn (mentoring) là cách hay để xây dựng kết nối giữa những nhân viên mới và những nhân viên kỳ cựu. Qua việc cung cấp chỉ dẫn và giải đáp các câu hỏi, cố vấn có thể xây dựng quan hệ công việc tích cực với nhân viên mới và giúp nâng cao tinh thần, động lực làm việc cho họ. Đây cũng là một trong những sáng kiến nhằm xây dựng văn hóa học tập và phát triển cho tổ chức — một động lực rất quan trọng của giữ chân nhân tài.
4. Xây dựng chính sách lương thưởng công bằng
Lương thưởng là một trong những động lực quan trọng đằng sau quyết định đầu quân cho doanh nghiệp. Chính sách lương thưởng cần có sự công bằng và phản ánh khách quan thành tích của nhân viên. Để làm được vậy, bạn cần xây dựng một
hệ thống quản trị thành tích hiệu quả và lấy nó làm căn cứ để quyết định tỷ lệ tăng lương cũng như mức thưởng cuối năm cho nhân viên.
5. Cung cấp quyền lợi hấp dẫn
Những quyền lợi tăng thêm cho nhân viên giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút, giữ chân nhân tài và nâng cao tinh thần của nhân viên. Những quyền lợi như trợ cấp nuôi con, thời gian nghỉ có lương, chính sách làm việc linh hoạt, v.v còn giúp nâng cao sự hạnh phúc của nhân viên. Đây cũng là cách thức hữu hiệu và thực tế nhằm thể hiện sự quan tâm chân thành của lãnh đạo đối với nhân viên.
6. Ưu tiên hạnh phúc của nhân viên
Tại những doanh nghiệp có trải nghiệm nhân viên xuất sắc, nhân viên thường nhận được các phúc lợi về sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Một nhân viên hạnh phúc và khỏe mạnh sẽ làm việc hiệu quả, chuyên tâm hơn.
7. Thúc đẩy giao tiếp giữa lãnh đạo và nhân viên
Lãnh đạo cần giao tiếp một cách minh bạch, rộng rãi và liên tục. Quản lý và nhân viên cần thường xuyên trao đổi 1:1 để thúc đẩy sự thấu hiểu giữa đôi bên và kịp thời giải quyết các thách thức, vấn đề trong công việc. Khi nhân viên được kết nối với quản lý và lãnh đạo, họ sẽ đặt nhiều niềm tin hơn vào đội ngũ lãnh đạo, gắn bó hơn với tổ chức và có xu hướng ở lại lâu dài hơn.
8. Phản hồi thường xuyên
Cũng giống như giao tiếp, phản hồi cũng nên diễn ra hai chiều và liên tục. Tổ chức cần
tạo ra văn hóa phản hồi nhằm thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển của nhân viên. Một văn hóa đề cao hoạt động phản hồi luôn ghi nhận tỷ lệ giữ chân nhân tài cao.
9. Cung cấp cơ hội học tập và phát triển cho nhân viên
Lãnh đạo cần thể hiện rằng doanh nghiệp nhìn thấy tiềm năng của nhân viên và muốn giữ họ phát triển lâu dài trong tổ chức. Và các chương trình học tập và phát triển chính là một trong những công cụ giữ chân nhân tài hiệu quả nhất. Thông qua việc hỗ trợ nhân viên thể hiện tốt trong vai trò hiện tại, vạch ra lộ trình sự nghiệp và trang bị cho nhân viên để chinh phục các cột mốc sự nghiệp trong tương lai; sự hài lòng, tinh thần và sự gắn bó với tổ chức của nhân viên sẽ được đẩy lên rất cao.
10. Ghi nhận và tương thưởng cho nhân viên
Không được ghi nhận và tương thưởng xứng đáng, nhân viên sẽ không hiểu rằng mình có đáp ứng kỳ vọng của quản lý hay không, cũng như mất đi động lực để phấn đấu hết mình trong công việc. Vì vậy, hãy ghi nhận và tương thưởng cho những nhân viên xứng đáng để giữ chân họ ở lại tổ chức.
11. Áp dụng làm việc linh hoạt
Làm việc linh hoạt đang trở thành xu thế tất yếu trong tương lai. Những tổ chức muốn nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút và giữ chân nhân tài đã và đang tìm cách áp dụng hình thức làm việc linh hoạt cho nhân viên. Khi ấy, nhân viên sẽ dễ dàng cân bằng công việc và cuộc sống hơn, ít gặp tình trạng kiệt sức và hài lòng hơn với công việc.
12. Điều hướng thay đổi một cách hiệu quả
Doanh nghiệp cần liên tục thay đổi để thích ứng với thị trường và khách hàng. Nhưng khi ấy, lãnh đạo tuyệt đối không nên để nhân viên lạc lõng và bị bỏ lại phía sau. Hãy đảm bảo việc giao tiếp liên tục với nhân viên về những thay đổi trong hoạt động kinh doanh, vận hành và lý do đằng sau những thay đổi ấy. Chỉ khi đó, nhân viên mới tin tưởng lãnh đạo và nỗ lực của họ sẽ nhất quán với mục tiêu kinh doanh.
13. Ăn mừng các cột mốc, thành tựu với nhân viên
Việc cùng nhân viên ăn mừng các cột mốc, thành tựu trong công việc, như vừa hoàn thành một dự án thách thức hay tròn hai năm làm việc trong công ty, v.v. sẽ giúp giữ chân nhân viên rất hiệu quả. Môi trường làm việc khi ấy cũng sẽ rất tích cực, và tinh thần đội nhóm cũng sẽ được nâng cao.
14. Vạch ra cơ hội thăng tiến
Bạn cần giúp nhân viên hiểu rõ những cơ hội thăng tiến trong tổ chức. Nếu không, họ sẽ rời tổ chức để xây dựng sự nghiệp cho riêng mình. Bằng việc ưu tiên tuyển dụng và thăng tiến nội bộ, cũng như cung cấp cơ hội đào tạo, phát triển cho nhân viên, tổ chức sẽ phát huy tối đa tiềm năng của đội ngũ nhân tài.
15. Gắn bó nhân viên với tổ chức
Sự gắn bó của nhân viên là nền tảng cho sự thành công của mọi chiến lược và sáng kiến kinh doanh. Để giữ chân nhân tài, có lẽ sự gắn bó chính là yếu tố quan trọng nhất. Những dấu hiệu việc nhân viên ngắt kết nối với tổ chức như vắng mặt, tinh thần làm việc kém, năng suất kém cần được liên tục đánh giá để phòng ngừa nguy cơ nghỉ việc. Và để gắn bó nhân viên với tổ chức, lãnh đạo cần liên tục lắng nghe nhân viên để tìm cách liên tục cải thiện trải nghiệm nhân viên.
16. Sử dụng khảo sát khi nhân viên nghỉ việc
Khảo sát khi nhân viên nghỉ việc sẽ giúp lãnh đạo hiểu được lý do một nhân viên rời khỏi tổ chức. Dựa trên thông tin này, bạn có thể nhanh chóng hành động để ngăn chặn nguy cơ nghỉ việc của những nhân viên khác và xây dựng một môi trường làm việc ngày một tốt hơn.
17. Tạo ra môi trường tôn trọng
Hơn lúc nào hết, nhân viên đang yêu cầu sự tôn trọng từ lãnh đạo doanh nghiệp. Dù hình thức có là cho phép nhân viên tự chủ trong công việc, đặt niềm tin vào nhân viên thay vì quản lý vi mô, nhân viên cần cảm thấy được đối xử tôn trọng. Để biến doanh nghiệp của bạn trở thành nơi làm việc lý tưởng, lãnh đạo cần tạo ra môi trường làm việc mà mọi thành viên tôn trọng lẫn nhau.
18. Cho phép nhân viên nghỉ ngơi
Kiệt sức trong công việc là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới quyết định nghỉ việc. Khi nhân viên làm việc quá sức và dần mất đi động lực, họ không thể đạt kết quả cao trong công việc và có xu hướng muốn rời khỏi tổ chức. Vì vậy, hãy xây dựng chính sách nghỉ có lương và khuyến khích nhân viên cho phép bản thân nghỉ ngơi để lấy lại năng lượng và tinh thần.
19. Thúc đẩy hợp tác
Tinh thần làm việc nhóm không chỉ thúc đẩy thành tích đội nhóm mà còn tạo ra các mối quan hệ công việc ý nghĩa. Khi tinh thần đội nhóm được nêu cao, nhân viên sẽ có tinh thần trách nhiệm hơn, đồng thời vẫn có điểm tựa tin cậy trong những thời điểm cần thiết. Đặc biệt, đó cũng là lúc họ cảm thấy kết nối với nơi làm việc và có ít khả năng rời doanh nghiệp hơn.
20. Dự đoán nguy cơ nghỉ việc
Bạn cần phân tích dữ liệu của những nhân viên hiện tại và xác định xem ai có khả năng nghỉ việc cao nhất dựa trên số giờ vắng mặt, năng suất lao động, hay sự tương đồng đối với các nhân viên đã rời tổ chức, v.v. Khi đó, lãnh đạo sẽ có thể nhanh chóng hành động nhằm giữ chân những thành viên này một cách kịp thời.