9 chương trình “well-being” tiêu biểu tại những doanh nghiệp đáng để làm việc nhất
bởi TalentSite Editorial Team
Hơn bất kỳ khía cạnh nào khác của văn hóa doanh nghiệp, chủ đề hạnh phúc của nhân viên (employee well-being) đòi hỏi doanh nghiệp có cách tiếp cận toàn diện hơn cả: hỗ trợ nhân viên trên mọi khía cạnh của cuộc sống.
Hãy thử dừng lại một chút và nghĩ về các khía cạnh trong cuộc sống mà bạn cần được hỗ trợ mà xem.
Trên thực tế, mỗi nhân viên của bạn đều có một danh sách dài những điều họ mong muốn được doanh nghiệp trợ giúp, và mong muốn của mọi người đều khác nhau.
Đối với một vài người, đó là những nhu cầu thực tế như hỗ trợ chăm sóc trẻ em hoặc hoàn trả học phí. Với số khác, nhu cầu của họ có thể kín đáo hơn như tư vấn tâm lý khi buồn hoặc hướng dẫn cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Giống như bất kỳ mối quan hệ nào khác, mối quan hệ giữa người sử dụng lao động – người lao động cần có nền tảng là sự tin tưởng. Và để sự tin tưởng giữa đôi bên được phát triển bền chặt, sự quan tâm và hỗ trợ chân thành là rất cần thiết.
Vậy làm sao doanh nghiệp có thể giúp nhân viên hạnh phúc hơn? Quá trình tìm kiếm câu trả lời bắt đầu từ việc lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu của từng nhân viên. Từ đó, bạn có thể điều chỉnh các hoạt động sao cho phù hợp với mỗi cá nhân.
Một khi nhân viên có trải nghiệm tích cực, nhất quán trên các khía cạnh mang lại hạnh phúc, họ có thể phát triển lành mạnh cả trong và ngoài công việc.
Dưới đây là một số ví dụ đời thực về các chương trình “well-being” tiêu biểu, được trích từ khảo sát của Great Place To Work® với các doanh nghiệp hàng đầu.
1. Nhập môn tại Atlassian
Những bước chân đầu tiên khi gia nhập doanh nghiệp rất quan trọng đối với toàn bộ trải nghiệm nhân viên. Một quy trình nhập môn tốt có thể đẩy nhanh quá trình hội nhập của nhân viên mới và đặt nền tảng cho những kết nối tình cảm thân thiết của họ với đồng nghiệp và quản lý.
Tại Atlassian, các nhân viên mới đều được đề nghị viết một bài blog giới thiệu và sau đó chia sẻ với toàn công ty. Trong bài blog, họ có cơ hội giới thiệu về công việc, sở thích và động lực của bản thân.
Chưa hết, các thành viên mới sẽ được giới thiệu đến mọi thành viên khác thông qua các buổi họp toàn công ty. Họ cũng được ghép cặp với một người bạn đồng hành thông qua chương trình “Buddy Program”. Người bạn ấy có thể giới thiệu những thông tin quan trọng hoặc giải đáp thắc mắc khi cần, v.v.
2. Huấn luyện tại Synchrony
Có lẽ việc hỗ trợ nhân viên 1:1 nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống sẽ giúp họ cảm nhận được sự quan tâm và chăm sóc của doanh nghiệp hơn cả. Synchrony sắp xếp cho từng nhân viên một huấn luyện viên nhằm xây dựng kế hoạch nâng cao hạnh phúc dựa trên thế mạnh, giá trị sống của mỗi người.
Làm việc với những huấn luyện viên này là một trải nghiệm hết sức tích cực và mang tính khích lệ. Nhân viên sẽ có không gian để chia sẻ và bàn luận về nhu cầu, mong muốn trong cuộc sống, được hỗ trợ trong việc xác định mục tiêu và thực hiện kế hoạch để cải thiện chất lượng sống. Những huấn luyện viên sẽ tư vấn cho nhà lãnh đạo và quản lý cách triển khai các buổi trao đổi về các chủ đề khó nói với nhân viên của mình.
3. Xây dựng nhận thức tại American Express
Sự nhận thức và tinh thần đoàn kết giúp ích rất nhiều trong việc hỗ trợ những nhân viên phải đối mặt với các vấn đề cá nhân. American Express triển khai một chiến dịch nhằm vinh danh Tháng Nhận thức về Sức khỏe Tâm lý mang tên: “Ở đây vì bạn. Ở đây vì mọi người” (Here for You. Here for Each Other).
Xuyên suốt tháng, công ty này tổ chức các buổi hội thảo trực tuyến nhằm khuyến khích nhân viên chia sẻ và lãnh đạo lắng nghe. Tất cả nhằm mục đích giúp mọi thành viên hiểu rằng: sẽ là bình thường nếu bạn cảm thấy mình đang không ổn, và bạn hoàn toàn có thể nhờ người khác giúp đỡ.
Đội ngũ cố vấn của American Express sẵn sàng tham gia các buổi tư vấn nhóm với các đội nhóm muốn tạo ra một không gian an toàn để thảo luận về bất cứ điều gì mà họ quan tâm.
Những nỗ lực này đã bình thường hóa tầm quan trọng của việc tự chăm sóc bản thân và giảm bớt sự kỳ thị ngầm ẩn trong tổ chức, do đó phần nào giải quyết được những khó khăn gốc rễ trong việc giúp đỡ những người cần hỗ trợ về sức khỏe tâm lý.
4. Hỗ trợ tại EY
Giúp nhân viên hiểu rõ ràng về cách họ tìm kiếm sự hỗ trợ là một trong những thành tố quan trọng trong một chương trình “well-being”. Doanh nghiệp có sẵn chương trình và công cụ để hỗ trợ nhân viên là một chuyện, nhưng đảm bảo họ có thể tiếp cận và biết cách sử dụng sự trợ giúp là một chuyện khác.
Tại EY, dịch vụ trợ giúp và quản lý cuộc sống đã phục vụ mọi nhân viên và gia đình của họ trong suốt 40 năm qua. Thông qua đường dây nóng 24 giờ và trang web, nhân viên có thể tiếp cận:
- Các dịch vụ tư vấn ngắn hạn và dài hạn
- Các giải pháp về sức khỏe và hạnh phúc
- Kiến thức chăm sóc trẻ em và người cao tuổi
- Dịch vụ gia đình và cuộc sống hàng ngày
- Chính sách chăm sóc người phụ thuộc
- Dịch vụ du lịch cá nhân, v.v.
Nhờ có đường dây nóng, nhân viên có thể dễ dàng tận dụng các nguồn lực hỗ trợ của công ty.
5. Ghi nhận tại First American Financial
Rất nhiều doanh nghiệp triển khai các chương trình nâng cao chất lượng sống của nhân viên nhưng lại bỏ qua ghi nhận, đây là một điểm rất đáng tiếc. Thông qua ghi nhận những thành tựu của nhân viên, nhân viên sẽ luôn có tinh thần làm việc tích cực và giữ được thái độ vui vẻ trong công việc.
First American đã tạo ra một nền tảng ghi nhận mang tên “Fantastic”, nơi nhân viên có thể bộc lộ sự trân trọng tới những đồng nghiệp đã thể hiện tốt các giá trị cốt lõi như: tính chính trực, sự cam kết, tinh thần dịch vụ, khả năng lãnh đạo và tinh thần đồng đội.
Quản lý cũng có thể ghi nhận những nhân viên có thành tích và đóng góp nổi bật bằng việc thưởng điểm cho họ trên nền tảng. Mỗi điểm tương ứng với một đô la, và nhân viên có thể quy đổi điểm để mua những mặt hàng như quà tặng, vé, v.v.
- Các buổi chia sẻ kiến thức bởi chuyên gia quản trị tài chính cá nhân
- Cố vấn tài chính bên ngoài
- Tư vấn tài chính 1:1
- Nguồn hỗ trợ về tài chính theo yêu cầu
6. Trở lại nơi làm việc tại Adobe
Tình trạng làm việc quá tải hay kiệt sức trong công việc đang ngày càng nghiêm trọng đối với các công ty trên toàn thế giới. Để giải quyết vấn đề này, nhiều doanh nghiệp đã cho phép nhân viên nghỉ phép để phục hồi năng lượng.
Adobe đã tạo ra chương trình “Chào mừng bạn trở lại” (Welcome Back) nhằm cung cấp các hỗ trợ cho nhân viên và đảm bảo rằng người quản lý tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quay trở lại công việc của nhân viên diễn ra liền mạnh. Chương trình này dành cho những nhân viên quay trở lại sau thời gian nghỉ phép kéo dài hơn ba tháng.
Là một phần của chương trình, các nhà quản lý — với sự trợ giúp của Trung tâm hỗ trợ người lao động — sẽ phát triển kế hoạch tiếp nhận công việc cho từng nhân viên và thảo luận về phương án sắp xếp công việc thay thế nếu cần.
Bằng cách cung cấp những trợ giúp cụ thể cho nhân viên khi trở lại, Adobe giúp những người nghỉ phép cảm thấy an toàn hơn về mặt tâm lý.
7. Ngày nghỉ toàn công ty tại Red Hat
Được nghỉ phép thôi là chưa đủ, cách thức và thời điểm nhân viên nghỉ ngơi cũng rất quan trọng. Nhiều nhân viên phải “căng não” sử dụng thời gian nghỉ phép được trả lương và khi nghỉ, họ không khỏi lo lắng về những công việc đang xếp hàng chờ họ giải quyết.
Do đó, các giải pháp nhằm giúp người lao động thực sự giải tỏa căng thẳng và tạm “ngắt kết nối” với công việc là rất cần thiết. Tại Red Hat, câu trả lời là “Ngày sạc năng lượng” (Recharge Day). Đây là những ngày nghỉ hàng quý đặc biệt, tạo cơ hội cho tất cả nhân viên rời khỏi chiếc laptop để có một ngày xả hơi và tái tạo năng lượng trọn vẹn.
Khi cả công ty đều tạm nghỉ, nhân viên không phải bận tâm gì về công việc, cũng không phải nơm nớp lo sợ khi có tin nhắn hay email đổ về. Không lỡ buổi họp hay thông tin nào mới, nhân viên cũng không phải làm việc gấp đôi khi quay trở lại để bù đắp cho những ngày nghỉ việc.
8. Sức khỏe tài chính tại Tanium
Trong các yếu tố về hạnh phúc, thì sức khỏe tài chính là yếu tố khiến nhiều người phải thao thức hàng đêm. Sự không chắc chắn về khía cạnh tài chính có khả năng chi phối cuộc sống cá nhân và công việc của nhân viên theo nhiều hướng tiêu cực.
Tại Tanium, công ty muốn đảm bảo rằng mọi thành viên đều có kiến thức và nguồn lực cần thiết để đưa ra các quyết định tài chính ngắn hạn và dài hạn sáng suốt, có lợi cho họ và gia đình.
Nhân viên có thể tham dự các Tuần lễ Sức khỏe Tài chính được tổ chức thường xuyên, với các hoạt động như:
Các buổi đối thoại về tài chính bao gồm các chủ đề quan trọng như cách thiết lập ưu tiên trong quản lý chi tiêu để đặt nền móng cho sức khỏe tài chính dài hạn, cách lập kế hoạch cho tương lai, cách quản lý tài khoản hưu trí, v.v.
Nhân viên cũng có thể tham gia các buổi tư vấn tài chính cá nhân để thảo luận về bức tranh tài chính tổng thể của họ và cách thức đạt được các mục tiêu tài chính. Bằng cách cung cấp những hỗ trợ này, Tanium giúp xoa dịu và giải quyết rất nhiều bất an về tài chính của các thành viên.
9. Mạng lưới hỗ trợ tại Atlantic Health System
Có lẽ một trong những cách hiệu quả nhất để giúp nhân viên hạnh phúc trên nhiều khía cạnh trong cuộc sống là giúp họ kết nối với mạng lưới những đồng nghiệp có cùng chí hướng. Atlantic có bộ phận phụ trách các hoạt động "well-being" nhằm tích hợp dịch vụ chăm sóc sức khỏe vào các chương trình khám sức khỏe và phòng ngừa hàng năm nhằm nâng cao lối sống lành mạnh.
Atlantic cũng kết nối các thành viên với một đồng nghiệp đã được huấn luyện nhằm khuyến khích họ chia sẻ về các trải nghiệm khó khăn. Người đồng nghiệp có thể đưa ra tư vấn hoặc hỗ trợ nhằm giúp họ cảm thấy tốt hơn.
Công ty cũng lập ra các phòng Chăm sóc sức khỏe tinh thần (Spiritual Care Department) nhằm kết nối các thành viên với các chuyên gia của hệ thống Atlantic Health System — những người có thể lắng nghe và thấu hiểu.