Có rất nhiều người lo sợ sự đánh giá từ người ngoài rằng họ không xứng đáng với vị trí lãnh đạo, cho dù chính họ đã nhận ra tiềm năng này ở bản thân. Một đáp viên đã nói rằng, “Tôi nghĩ mọi người thường quy vị trí lãnh đạo về nam giới, nên tôi có chút không thoải mái về điều này. Tôi lo rằng khi bản thân theo đuổi vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực của mình, tôi sẽ không được coi trọng”.
Chắc hẳn có vài trải nghiệm thực tế đã reo những nỗi sợ này vào những nhà lãnh đạo tiềm năng, đặc biệt khi họ thuộc những nhóm người vẫn chịu nhiều định kiến như phụ nữ hay người da màu. Theo nhóm tác giả, những người càng có nhiều lo lắng càng có xu hướng không coi mình là một người lãnh đạo. Và kết quả là họ không dám bộc lộ hành vi lãnh đạo của bản thân, khiến cấp trên không hiểu được tiềm năng của họ.
Liệu nỗi sợ thực sự có khả năng ngăn cản con người bộc lộ những thứ thuộc về bản sắc của mình hay không? Theo góc độ tâm lý học, kết quả nghiên cứu này hoàn toàn hợp lý. Không mấy ai dám đặt mình vào một vị trí đem lại nhiều nỗi sợ và rủi ro, đặc biệt là vai trò lãnh đạo vốn đã ẩn chứa rất nhiều thách thức. Vì vậy, khi con người nhận thấy vị trí lãnh đạo có nhiều rủi ro, họ tìm cớ né tránh bằng việc từ chối danh tính này trong chính tiềm thức của mình. Có lẽ việc đổ lỗi cho bản thân và biện minh rằng mình không muốn trở thành nhà lãnh đạo dễ hơn việc thừa nhận rằng chúng ta sợ những đánh giá từ bên ngoài.
Nhưng tín hiệu tích cực đó chính là, nghiên cứu trên cũng hé lộ một số biện pháp can thiệp tâm lý mà các nhà quản lý có thể sử dụng để giảm khả năng xảy ra và tác động của những nỗi sợ này đối với cấp dưới. Những biện pháp này cho phép quản lý khuyến khích nhiều nhân viên tự nhìn nhận bản thân đúng cách và theo đuổi vị trí lãnh đạo hơn. Đầu tiên, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng quản lý hoàn toàn có thể giảm nỗi sợ của nhân viên về rủi ro danh tiếng. Một nghiên cứu đi trước đã chứng minh được rằng: những người lắng nghe một số podcast truyền bá rằng lãnh đạo là vị trí chứa nhiều rủi ro sẽ có rất ít khả năng tự nhận dạng mình là một nhà lãnh đạo, so với những người đã từng nghe những podcast cho rằng đây không phải là một vị trí rủi ro và đáng sợ. Điều này thể hiện rằng chỉ cần mô tả lãnh đạo là một vị trí ít rủi ro (ví dụ đề cập rằng những nhà lãnh đạo cũng có thể phạm sai lầm trong công việc, và những sai lầm này không phải vệt đen không thể xóa mờ), quản lý có thể giúp nhân viên cảm thấy thoải mái hơn trong việc nhìn nhận tiềm năng lãnh đạo của bản thân.
Thêm vào đó, lãnh đạo cần hành động để giải quyết cụ thể những nỗi lo về danh tiếng của từng nhân viên. Không một nhân viên nào muốn bị đánh giá là kẻ hống hách, bị tách biệt khỏi đội nhóm hay không được người khác coi trọng. Vì vậy, tổ chức cần chứng minh thông qua lời nói và hành động rằng mỗi nhân viên đều có tiềm năng trở thành lãnh đạo, và việc một người dám đảm nhận vai trò lãnh đạo sẽ được nhìn nhận một cách tích cực.
Tất nhiên, không có biện pháp can thiệp tâm lý nào có thể xóa bỏ hoàn toàn những nỗi lo về danh tiếng. Nhưng quản lý vẫn có thể áp dụng chiến lược sau đây nhằm giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực mà những nỗi sợ này đem lại cho nhân viên. Cụ thể hơn, nghiên cứu nói rằng những sinh viên coi lãnh đạo là năng lực thiên bẩm sẽ có nhiều lo sợ về danh tiếng xoay quanh vị trí này, dẫn tới việc họ không tự tin vào năng lực này của bản thân — ngược lại với những sinh viên tin rằng lãnh đạo là kỹ năng có thể trau dồi và do đó không bị chi phối bởi những nỗi sợ. Đó là bởi những người tin tưởng vào việc mỗi cá nhân có rèn luyện năng lực lãnh đạo sẽ thoải mái hơn với những rủi ro và thất bại; trong khi những người có quan điểm cố hữu lại cho rằng những rủi ro, sai phạm có thể gây tổn thất vĩnh viễn đến danh tiếng của họ và vì vậy không dám nghĩ rằng bản thân cũng có thể lãnh đạo. Dựa trên kết quả này, quản lý có thể giảm thiểu tác động của những nỗi sợ về rủi ro danh tiếng bằng việc truyền đạt niềm tin: “lãnh đạo là kỹ năng, chứ không phải năng khiếu” cho nhân viên. Đồng thời, bạn cần cung cấp cho nhân viên chỉ dẫn và cơ hội nhằm giúp họ phát triển kỹ năng lãnh đạo; ghi nhận và phản hồi xuyên suốt quá trình rèn luyện của nhân viên; và truyền cảm hứng cho nhân viên bằng việc chia sẻ cả những câu chuyện thành công và thất bại xoay quanh chủ đề này.
Tác giả, nhà giáo dục kiêm nhà hoạt động xã hội Parker Palmer từng có những chia sẻ tâm đắc rằng, “Lãnh đạo là điều con người thường chối bỏ ở bản thân. Tự coi bản thân là lãnh đạo có vẻ là một hành động không khiêm tốn, hay thậm chí là tự cao tự đại. Nhưng nếu con người sinh ra đã thuộc về cộng đồng, thì lãnh đạo là thiên chức của mỗi người, và việc khăng khăng bản thân không phải là lãnh đạo có thể được coi là trốn tránh trách nhiệm. Khi ta sống trong một hệ sinh thái khăng khít được gọi là “cộng đồng”, thì mọi người đều cần tuân theo, và mọi người cũng cần lãnh đạo”. Việc tạo ra văn hóa tôn vinh vai trò lãnh đạo và khiến vai trò này trở nên bình đẳng đối với mọi giới, sắc tộc, độ tuổi hay những đặc điểm khác sẽ khiến mọi thành viên trong tổ chức thoải mái hơn với việc tự nhận dạng và hành động như một người lãnh đạo.