1. Cơ hội học tập thường xuyên
Các cơ hội học tập thường xuyên nên được thiết kế xoay quanh công việc của nhân viên nhằm giúp họ trực tiếp học tập liên tục thông qua thực tế công việc. Ví dụ, khi nhân viên mới gia nhập startup, bạn có thể làm mẫu công việc và yêu cầu nhân viên tham gia hoặc theo dõi. Nhân viên mới cũng có thể học hỏi và làm theo các nhân viên kỳ cựu khác bất cứ khi nào có cơ hội trong quá trình làm việc về sau này dưới sự khuyến khích của tổ chức.
Đáng buồn thay, ngay cả khi các nhà quản lý hiểu tầm quan trọng của việc học hỏi — ít nhất là trên lý thuyết — họ thường quan tâm nhiều hơn đến việc thúc đẩy kết quả và thành tích ngắn hạn. Khi ấy, quản lý và đội nhóm sẽ không có đủ thời gian để học tập: theo Bersin, trong 700 tổ chức được khảo sát, nhân viên chỉ có trung bình 24 phút mỗi tuần để học một cách chính thức (formal learning).
Do đó, bạn cần ghi nhận và khen thưởng những nhân viên có ý thức học tập và thể hiện tư duy phản biện, đặc biệt là khi họ dám lên tiếng để thách thức những gì vốn có. Chỉ khi ấy, tổ chức của bạn mới sẵn sàng để sáng tạo và đổi mới.
2. Thúc đẩy trao đổi và đối thoại
Văn hóa tổ chức trong startup của bạn cần tạo điều kiện cho việc đặt câu hỏi, phản hồi và thử nghiệm. Để đạt được điều này, nhân viên cần không ngại xung đột, có khả năng tìm hiểu, đặt câu hỏi và phản hồi, cũng như biết cách lắng nghe. Họ cũng cần có kỹ năng lập luận để thể hiện quan điểm của bản thân một cách thuyết phục.
Vì vậy, bạn không nên tránh việc đưa ra phản hồi thẳng thắn cho nhân viên chỉ vì sợ đánh mất hòa khí trong đội nhóm. Làm sao startup có thể phát triển khi nhân viên không nhận thức được hạn chế và bằng lòng với chính mình? Chỉ khi hiểu được bản thân cần trau dồi trên một số khía cạnh nhất định, nhân viên mới có tính tò mò và có động lực để học hỏi.
3. Học hỏi theo nhóm thông qua cộng tác
Cũng giống như khi làm việc, nhân viên nên được khuyến khích học theo nhóm để tiếp cận với nhiều lối tư duy khác nhau của đồng nghiệp. Khi ấy, cùng một nội dung học, có thể nhân viên sẽ học tập hiệu quả hơn nhiều.
Vì vậy, đừng quên đề cao và khen thưởng tinh thần cộng tác trong học tập và phát triển của nhân viên.
4. Hệ thống nắm bắt và chia sẻ kiến thức
Bạn cần đảm bảo học tập được tích hợp với công việc hàng ngày của startup, và công nghệ có thể giúp bạn làm được điều này. Dù là áp dụng công nghệ cao như hệ thống quản lý học tập hay các công nghệ đơn giản hơn, startup cần khuyến khích hoạt động học tập xuyên suốt trải nghiệm nhân viên, từ nhập môn, đào tạo cho đến các công việc hàng ngày.
5. Trao quyền cho nhân viên để hướng tới tầm nhìn chung
Hãy trao cho nhân viên một phần quyền quyết định trong trải nghiệm học tập của bản thân, miễn là họ hiểu rõ mục tiêu của tổ chức và nhiệm vụ của mình. Các thành viên trong startup có thể tự đưa ra các nội dung học tập cần thiết cho bản thân và tìm kiếm các khóa học phù hợp. Khi ấy, nhân viên sẽ có động lực và trách nhiệm hơn.
6. Kết nối nhân viên với môi trường xung quanh
Nhân viên cần hiểu được những gì họ đã học giúp ích cho công việc của họ và startup như thế nào. Vì vậy, hãy phản hồi và cung cấp thông tin quan trọng này cho nhân viên để giúp họ điều chỉnh hoạt động học tập của bản thân.
7. Lãnh đạo làm gương
Lãnh đạo cần làm gương và hỗ trợ việc học tập trong tổ chức. Vậy lãnh đạo của bạn có đang học không? Quản lý có đang rèn luyện năng lực, kỹ năng lãnh đạo và tư duy chiến lược không? Hành vi của người lãnh đạo — đặc biệt là những thói quen hàng ngày — ảnh hưởng rất lớn lên hành vi và thành tích của đội nhóm.
Vì vậy, hãy đề cao tinh thần học tập và trí tò mò trong đội ngũ lãnh đạo và quản lý startup. Nếu muốn nhân viên trở nên sáng tạo và đột phá, bạn chớ nên tư duy theo lối mòn và bằng lòng với thực tại.