Các nghiên cứu hàng năm về đánh giá 360 đều chỉ ra rằng: phát triển con người chính là kỹ năng yếu nhất của các nhà lãnh đạo (theo Bob Eichinger). Đối chiếu với nhu cầu tìm kiếm, phát triển và giữ chân nhân tài của các doanh nghiệp, kỹ năng của các nhà lãnh đạo đang tụt hậu khá nhiều. Chỉ khi tổ chức của bạn xây dựng được văn hóa trọng dụng và nuôi dưỡng nhân tài, những nhân viên giỏi nhất mới mong muốn làm việc và cống hiến cho bạn. Nếu không, bạn sẽ rơi vào vòng lặp cố gắng thuyết phục người tài gia nhập tổ chức rồi lại chứng kiến họ rời đi trong vô vọng. Đơn giản là bởi nhân viên không tìm thấy lý do để ở lại từ văn hóa và đội ngũ lãnh đạo.
Bước 1: Hiểu được tại sao phát triển nhân tài là kỹ năng quan trọng nhất đối với nhà lãnh đạo
Nghiên cứu của RBL được thực hiện trên 13.000 nhà lãnh đạo trên toàn cầu đã kết luận rằng: kỹ năng quan trọng nhất đối với lãnh đạo ở mọi cấp bậc là “phát triển con người”. Nhìn chung, các nhà lãnh đạo ở mọi cấp phải cung cấp nguồn lực, hỗ trợ và huấn luyện thường xuyên cho nhân viên. Đặc biệt đối với lãnh đạo cấp trung và ở vị trí điều hành, họ cần nhìn ra được
nhu cầu nguồn nhân lực của tổ chức nhằm hiện thực hóa các chiến lược dài hạn và xây dựng những
năng lực tổ chức quan trọng. Bên cạnh đó, ở vị trí càng cao, nhà lãnh đạo càng cần phải tập trung vào việc
tạo ra kết nối (cả bên trong và bên ngoài tổ chức) và giúp nâng cao năng lực của cả đội ngũ lãnh đạo trong tổ chức. Tất cả các lãnh đạo từ cao xuống thấp tại doanh nghiệp đều là mắt xích quan trọng nhằm biến chiến lược kinh doanh trở thành hiện thực.
Bước 2. Xây dựng văn hóa trọng dụng, nuôi dưỡng nhân tài
Con người là tài sản rất quan trọng của tổ chức, trực tiếp ảnh hưởng tới chiến lược kinh doanh, trải nghiệm khách hàng, niềm tin của nhà đầu tư và danh tiếng của doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng.
Bên trong tổ chức, con người là nguyên liệu quan trọng của mọi chiến lược. Để có thể hiện thực hóa bất kỳ chiến lược nào, doanh nghiệp cần có những nhân viên cam kết, có năng lực phù hợp ở đúng vị trí và vào đúng thời điểm.
Nhưng con người cũng tác động tới các yếu tố bên ngoài tổ chức. Nhân viên trực tiếp tương tác với khách hàng và đứng đằng sau trải nghiệm khách hàng. Nhà đầu tư nhìn vào con người để đánh giá khoản lợi nhuận tiềm năng mà doanh nghiệp có thể đem lại. Và mỗi doanh nghiệp đều phải cam kết với xã hội trong việc đối xử công bằng, nhân văn với người lao động.
Bước 3. Phát triển đội ngũ lãnh đạo nhằm xây dựng năng lực con người
Chiến lược kinh doanh mới có thể đặt ra những yêu cầu mới về thị trường, chuỗi cung ứng, vị trí địa lý, tệp khách hàng, v.v cho doanh nghiệp. Khi ấy, năng lực của đội ngũ nhân tài cũng cần được thay đổi và phát triển để thích ứng và bắt kịp. Dưới cương vị là nhà lãnh đạo, bạn cần xác định những năng lực cụ thể của đội ngũ nhân tài nhằm đáp ứng chiến lược kinh doanh và xây dựng kế hoạch hành động nhằm thu hẹp khoảng trống năng lực. Ví dụ, có thể bạn cần đầu tư vào phát triển và đào tạo, đồng thời thu hút nhân tài bên ngoài cho một số vị trí chủ chốt và triển khai phản hồi thành tích thường xuyên cho mọi nhân viên.
Lãnh đạo luôn cần tư duy và nỗ lực hành động để nhất quán đội ngũ nhân tài với chiến lược kinh doanh. Mục tiêu kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp xây dựng năng lực gì? Bạn cần làm gì để xây dựng những năng lực này? Xét trên khía cạnh Nhân sự, bạn cần làm gì cụ thể để xây dựng kỹ năng, thái độ, thói quen phù hợp cho nhân viên? Doanh nghiệp sẽ xây dựng chính sách gì để thúc đẩy sự cam kết của nhân viên nhằm hiện thực hóa chiến lược? Lãnh đạo, bạn chính là kiến trúc sư của tổ chức — người thiết kế, xây dựng văn hóa và năng lực tổ chức cần thiết (đặc biệt là năng lực con người) nhằm thúc đẩy kết quả kinh doanh.
Khi ấy, chắc chắn các chỉ số về thu hút nhân tài, giữ chân nhân tài cũng tăng trưởng tích cực.