Những buổi trao đổi về sự nghiệp giữa quản lý và nhân viên thường diễn ra nhanh chóng, không hiệu quả, hay thậm chí bị bỏ qua nhằm ưu tiên cho các đầu việc hàng ngày. Tuy nhiên, những buổi trao đổi này chính là khoảnh khắc quyết định trong trải nghiệm nhân viên, giúp nhân viên xác định mình sẽ rời đi hay ở lại tổ chức. Một buổi trao đổi về sự nghiệp có hai mục đích sau đây: quản lý giúp nhân viên xác định định hướng nghề nghiệp và thực hiện hóa mục tiêu nghề nghiệp.
Xác định thế mạnh của nhân viên
Nhận biết được thế mạnh của bản thân chẳng phải điều dễ dàng, hiểu được tiềm năng của mình sẽ nở rộ ra sao dưới nhiều vai trò, cấp bậc khác nhau trong tổ chức lại càng khó hơn. Thông qua các buổi trao đổi về sự nghiệp, quản lý có cơ hội để không chỉ phản hồi thành tích dựa trên điểm mạnh của nhân viên, mà còn giúp nhân viên hình dung thế mạnh của mình sẽ có ích như thế nào đối với các đội nhóm khác trong tổ chức. Khi đó, nhân viên sẽ có cái nhìn toàn diện về tiềm năng của mình, chứ không giới hạn định hướng nghề nghiệp xoay quanh những gì bản thân đang làm. Ví dụ, có những đội nhóm không cần những nhân viên giỏi trong việc giải quyết vấn đề, nhưng đồng thời có những đội nhóm rất đề cao năng lực này. Đây chính là bước đệm quan trọng giúp xây dựng động lực và sự tự tin cho nhân viên trong việc khám phá và thử nghiệm các cơ hội nghề nghiệp trong tổ chức.
Hỗ trợ nhân viên kết nối
Quản lý giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối nhân viên với các cơ hội trong doanh nghiệp. Nhân viên sẽ không đủ can đảm để tiếp cận những quản lý, lãnh đạo khác trong tổ chức để trò chuyện nhằm hình dung rõ hơn về một vị trí công việc họ đang quan tâm. Quản lý là người có mạng lưới quan hệ rộng xuyên suốt công ty, vì vậy cần hỗ trợ kết nối và giới thiệu nhân viên tới những người quan trọng. Bên cạnh đó, một khi quản lý chủ động thúc đẩy nhân viên khám phá các cơ hội trong tổ chức, nhân viên sẽ không lo sợ rằng thành tích và kết quả công việc của mình sẽ bị ảnh hưởng xấu.