1. Đưa ra quyết định tuyển dụng đúng đắn
Tuyển dụng không phải việc dễ dàng. Một nhân viên phù hợp không chỉ có kỹ năng và kinh nghiệm đạt chuẩn, mà tính cách và những giá trị mà họ coi trọng cũng cần phù hợp với tổ chức.
Nếu nhân viên mà bạn tuyển dụng không đồng điệu với sứ mệnh và văn hóa tổ chức, việc họ rời doanh nghiệp là điều không tránh khỏi. Mục đích của nhân viên cần hòa hợp với sứ mệnh và giá trị của doanh nghiệp, nếu không mỗi ngày làm việc với họ đều là gánh nặng.
2. Cải thiện chương trình hội nhập
Quy trình hội nhập của doanh nghiệp nên:
- Trang bị cho nhân viên nhằm đạt thành tích cao
- Đề rõ kỳ vọng dành cho nhân viên
- Truyền đạt rõ ràng, sống động văn hóa tổ chức
- Giải thích về các thủ tục, quy định của doanh nghiệp
Nhân viên cũng cần được kết nối với những thành viên trong đội nhóm, tổ chức và biết cách huy động hỗ trợ nếu cần. Quy trình hội nhập cần giúp nhân viên sớm hòa nhập và cảm thấy thoải mái trong tổ chức — đồng thời giảm thiểu khả năng nhân viên cảm thấy lạc lõng và nghi ngờ quyết định tham gia tổ chức của mình trong những tháng đầu tiên.
3. Đảm bảo mức lương thưởng cạnh tranh
Nếu doanh nghiệp không thể chi trả cho nhân viên mức lương cạnh tranh so với mức trung bình ngành, khả năng thu hút và giữ chân nhân tài sẽ giảm đáng kể. Mọi nhân viên đều cần được ghi nhận tương xứng với thành tích.
Nếu nhân viên đang nỗ lực hết mình nhưng không được tương thưởng xứng đáng, họ sẽ rơi vào trạng thái kiệt sức và sớm tìm kiếm cơ hội việc làm khác hấp dẫn hơn.
4. Cung cấp phúc lợi phù hợp
Ngoài lương thưởng, thì phúc lợi cũng là cách doanh nghiệp thể hiện sự trân trọng đối với nhân viên và giữ chân họ ở lại tổ chức. Gần một phần năm nhân viên chia sẻ rằng họ sẽ ở lại doanh nghiệp nếu nhận được phúc lợi tốt hơn.
Để vượt lên trên đối thủ, những tổ chức hàng đầu đang cung cấp những gói phúc lợi nhằm giúp nhân viên hạnh phúc hơn trong công việc và cuộc sống. Những xu hướng phúc lợi gần đây bao gồm: trợ cấp sức khỏe tâm lý, nghỉ phép có lương, thời gian tình nguyện được trợ cấp, hoàn trả công nghệ, v.v. đều nằm trong nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc khiến nhân viên cảm thấy được trân trọng, hỗ trợ và quan tâm.
5. Giao tiếp cởi mở và thường xuyên
Nhân viên muốn và cần được biết về mục tiêu và chiến lược của doanh nghiệp, phòng ban và đội nhóm để cảm thấy được kết nối với tổ chức và làm tốt công việc của họ. Quản lý nên thường xuyên trao đổi với nhân viên để giải quyết các rào cản trong công việc, đồng thời thảo luận về các mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai của nhân viên. Giao tiếp hiệu quả sẽ giúp thúc đẩy lòng trung thành của nhân viên và trang bị cho nhân viên đầy đủ công cụ nhằm thực hiện tốt công việc.
6. Vạch ra các cơ hội phát triển sự nghiệp
Nếu nhân viên cảm thấy bản thân đang không tiến bộ trong vai trò công việc, họ sẽ cảm thấy bồn chồn và không hài lòng. 94% nhân viên sẽ ở lại tổ chức lâu hơn nếu họ được hưởng các cơ hội học tập và phát triển tốt.
Hãy cung cấp cơ hội để nhân viên phát triển năng lực thông qua công việc thử thách, các chương trình đào tạo lại kỹ năng và nâng cao kỹ năng. Quản lý cũng cần triển khai các cuộc hội thoại thường xuyên về chủ đề phát triển sự nghiệp để giúp vạch ra lộ trình sự nghiệp rõ ràng cho nhân viên và các cơ hội học tập, phát triển tương ứng.
7. Ghi nhận nhân viên khi xứng đáng
Ghi nhận giúp nhân viên cảm thấy được trân trọng bởi những nỗ lực họ bỏ ra. Nếu một nhân viên phấn đấu hết mình để nâng cao thành tích nhưng không được ghi nhận, họ sẽ mất đi động lực để tiếp tục phấn đấu, giảm gắn bó với doanh nghiệp và có khả năng nghỉ việc cao hơn.
8. Cho phép nhân viên linh hoạt trong địa điểm và cách thức làm việc
Các tổ chức có năng lực cạnh tranh trong việc thu hút và giữ chân nhân tài thường khuyến khích nhân viên tự chủ trong công việc. Việc cho phép nhân viên lựa chọn làm việc từ xa hay làm việc kết hợp đang trở nên ngày càng cần thiết trong bối cảnh hiện tại, nhưng vậy thôi là chưa đủ.
Nhân viên cũng cần được khuyến khích tự quyết định cách làm việc của mình. Cách thức quản lý vi mô (micromanaging) cần được loại bỏ. Niềm tin và sự minh bạch giữa quản lý và nhân viên, cùng với tinh thần đổi mới trong công việc mới là thứ cần được nhân rộng trong tổ chức. Nếu nhân viên của bạn đã đạt được thành tích tốt, bạn hãy thử cho họ sự tự chủ để tiếp tục thăng hoa trong công việc.
9. Tạo ra văn hóa lắng nghe nhân viên
Lắng nghe nhân viên cần trở thành một quy trình liên tục tại doanh nghiệp của bạn. Những thông tin mà nhân viên cung cấp sẽ giúp bạn có những hành động chiến lược, dựa trên dữ liệu nhằm nâng cao trải nghiệm nhân viên.
Một chương trình lắng nghe nhân viên toàn diện sẽ bao gồm:
- Khảo sát mức độ gắn bó của nhân viên hàng năm
- Khảo sát nhanh để lắng nghe nhân viên liên tục
- Khảo sát xuyên suốt vòng đời nhân viên để hiểu về hành trình của mỗi nhân viên tại doanh nghiệp
Đây là tình huống đôi bên cùng có lợi. Khi doanh nghiệp hành động đúng trọng tâm để giải quyết vấn đề xoay quanh trải nghiệm nhân viên, nhân viên sẽ cảm thấy được lắng nghe và doanh nghiệp của bạn sẽ phát triển.
10. Điều chỉnh hệ thống quản trị thành tích
Việc chỉ triển khai đánh giá thành tích cuối năm
đã lỗi thời và là nguyên nhân khiến không ít nhân viên không gắn bó và rời bỏ doanh nghiệp. Nhân viên cần được hỗ trợ xây dựng mục tiêu cá nhân nhất quán với mục tiêu chung và được huấn luyện, phản hồi và ghi nhận liên tục để luôn kết nối với công việc và nâng cao thành tích của mình. Lãnh đạo và quản lý cần truyền đạt rõ ràng về cách thức đánh giá thành tích trong tổ chức và hợp tác cùng nhân viên để thảo luận và cải thiện thành tích của họ.
11. Thúc đẩy tinh thần cộng tác và làm việc nhóm
Tinh thần cộng tác và làm việc nhóm giúp thiết lập các mối quan hệ công việc có giá trị và là chìa khóa của môi trường làm việc lành mạnh. Nhưng trong kỷ nguyên làm việc từ xa, rất nhiều lãnh đạo chưa biết cách thúc đẩy sự cộng tác giữa đội ngũ nhân viên.
Bằng việc thiết lập những mục tiêu nhất quán, thúc đẩy sự cộng tác trên nhiều cấp độ và xuyên suốt các bộ phận trong tổ chức; khuyến khích việc trao đổi thông qua video và ứng dụng các công cụ, kênh giao tiếp phù hợp với nhiều mục đích khác nhau; đội nhóm làm việc từ xa sẽ không còn gặp trở ngại trong việc cộng tác. Chính những mối quan hệ công việc ý nghĩa này sẽ góp phần giữ chân nhân viên ở lại công ty.
12. Ưu tiên các mục tiêu về đa dạng, hòa nhập và bình đẳng
Các giá trị đa dạng, hòa nhập và bình đẳng đã dần trở thành
kỳ vọng tất yếu của nhân viên đối với doanh nghiệp. Lãnh đạo cần nỗ lực nhằm xóa bỏ các định kiến tại nơi làm việc, gạt bỏ các rào cản trong việc đa dạng hóa đội ngũ nhân tài, cũng như quan tâm và hỗ trợ mong muốn, nhu cầu của từng nhân viên. Khi đó, nhân viên sẽ hạnh phúc hơn và năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp cũng được nâng cao đáng kể.
13. Truyền đạt về những đổi mới trong tổ chức
Gần đây, doanh nghiệp đang phải thay đổi rất nhanh để bắt kịp với môi trường bên ngoài. Và để giữ chân nhân viên, những thay đổi trong doanh nghiệp cần được truyền đạt một cách cởi mở, minh bạch. Nhưng chỉ 35% nhân viên rời tổ chức đồng ý rằng doanh nghiệp đã giao tiếp một cách minh bạch với nhân viên.
Hãy truyền đạt rõ ràng, thường xuyên về những đổi mới bên trong tổ chức và cả những nguyên nhân đằng sau. Khi nhân viên tiếp nhận sự thay đổi một cách đột ngột, kết nối giữa họ và tổ chức sẽ bị phá bỏ và khả năng nghỉ việc của họ cũng tăng cao.
14. Thúc đẩy phản hồi hai chiều
Phản hồi nên diễn ra hai chiều. Nếu quản lý chỉ cho đi mà không tiếp thu phản hồi, mối quan hệ giữa quản lý và nhân viên sẽ mất cân bằng.
Để xây dựng nền tảng niềm tin giữa đôi bên, quản lý cần tìm kiếm và lắng nghe phản hồi từ nhân viên. Bằng cách này, quản lý có thể ngày một tiến bộ hơn trong vai trò của mình. Và việc nhân viên tiếp nhận phản hồi từ cấp trên cũng sẽ dễ dàng, tự nhiên hơn. Sự hợp tác này giữa quản lý và nhân viên là chất gắn kết rất tốt.
15. Triển khai khảo sát khi nhân viên nghỉ việc
Khảo sát này giúp quản lý và lãnh đạo hiểu được lý do khiến một nhân viên nghỉ việc. Qua đó, doanh nghiệp có thể tổng hợp và cải thiện chiến lược giữ chân nhân viên hiện tại một cách tốt hơn. Nhưng trước hết, bạn cần đặt đúng câu hỏi trong khảo sát.
Câu hỏi trong khảo sát có thể là: “Tại sao bạn lựa chọn rời công ty?”, “Bạn coi trọng điều gì ở công ty”, v.v. Bộ câu hỏi cần khai thác sâu những điểm cần cải thiện trong trải nghiệm nhân viên.
Ngoài ra, lãnh đạo có thể sử dụng kết quả khảo sát làm điểm chuẩn để phát hiện những nhân viên hiện tại có nguy cơ nghỉ việc nhằm ngăn chặn kịp thời.