Rất nhiều startup đã thúc đẩy nhân viên phát triển sự nghiệp bằng cách xây dựng một đội ngũ nhân tài toàn diện, với khả năng đảm nhiệm nhiều công việc với quyền tự chủ rất cao trong công việc.
Nhưng mặt khác, môi trường làm việc tại Startup không ổn định, lộ trình phát triển nghề nghiệp không rõ ràng, mức lương mà Startup có thể trả cho nhân viên trong giai đoạn đầu cũng không cạnh tranh so với các doanh nghiệp lớn. Nguyên nhân gốc rễ của những vấn đề này là:
Làm sao để giúp nhân viên phát triển sự nghiệp tại startup?
bởi TalentSite Editorial Team
TalentSite Editorial Team
> Xem toàn bộ tài nguyên quản trị nguồn nhân lực
Bản gốc: Career Growth in Startups: A reality or a myth?
Khi nhân viên đề cập tới “phát triển sự nghiệp”, họ thường nghĩ tới ba yếu tố:
Những yếu tố của phát triển sự nghiệp
- Startup thường tập hợp những quản lý trẻ, chưa có kinh nghiệm phát triển nhân tài và xây dựng kế hoạch kế nhiệm
- Người sáng lập thường dành thời gian tập trung vào việc gọi vốn, mở rộng quy mô kinh doanh và tuyển nhân sự
- Cơ cấu tổ chức và các vị trí công việc được điều chỉnh hàng năm (hay thậm chí hàng quý) để phục vụ cho mục tiêu kinh doanh (như đạt trạng thái product-market fit hoặc mở rộng kinh doanh)
Đây đều là những lý do chính đáng. Nhưng startup hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề phát triển sự nghiệp của nhân viên một cách sáng tạo, trước khi mức hài lòng và gắn bó của đội ngũ nhân tài dần đi xuống và chạm tới mức thấp.
Dù chia sẻ hay không, những thành viên trong startup của bạn chắc hẳn sẽ nảy sinh những thắc mắc sau đây:
- Làm sao tôi có thể phát triển sự nghiệp trong một tổ chức với chỉ 10-20 nhân sự?
- Làm sao tôi có thể thăng tiến và nâng mức lương khi startup không có lộ trình thăng tiến rõ ràng
- Tôi cần làm gì để được trao các cơ hội thử thách bản thân trong công việc?
- Tại sao bạn bè của tôi ở các tập đoàn lớn biết rất rõ về con đường sự nghiệp của họ và kế hoạch kế nhiệm của công ty, nhưng những thông tin này tại startup lại không rõ ràng?
Không quá khi nói rằng startup là tập hợp của các đội nhóm thực hiện gấp năm lần trách nhiệm công việc so với các đội nhóm tại doanh nghiệp lớn. Những nhân viên của bạn đang đầu tư thời gian, công sức, hay thậm chí là đánh đổi sự nghiệp để đưa startup đi lên. Nhưng ngược lại, liệu nhà sáng lập startup đã dành đủ tâm sức để giúp họ phát triển sự nghiệp trong lâu dài tại nơi đây hay chưa? Liệu bạn đã tư duy một cách sáng tạo để xây dựng một phương án thay thế có sức cạnh tranh với những phúc lợi phát triển sự nghiệp hấp dẫn tại doanh nghiệp lớn? Bởi startup trong những giai đoạn đầu không thể sao chép các mô hình phát triển sự nghiệp cho nhân viên tại các “ông lớn” trong nước hay đa quốc gia.
Dưới cương vị là nhà sáng lập và quản lý startup, bạn cần đồng thời chịu trách nhiệm mở rộng kinh doanh và cung cấp môi trường phát triển tuyệt vời cho nhân viên.
- Lương thưởng
- Sự ghi nhận
- Quyền lực
Và sau đây là những gì mà nhà sáng lập, quản lý startup và chính nhân viên cần biết để cùng phối hợp nhằm phát triển sự nghiệp cho nhân viên:
1. Trở thành quản lý không phải cách thăng tiến duy nhất
Là chủ doanh nghiệp, chúng ta đều có thể rạch ròi giữa những gì nhân viên muốn và những gì doanh nghiệp cần. Ở những giai đoạn đầu của startup, nhà sáng lập có xu hướng thuê những nhân viên sẵn sàng làm việc và cùng nhân viên thiết kế lại vai trò. Chỉ cần nhân viên chịu khó và ham học hỏi, lãnh đạo startup sẽ sẵn sàng cá nhân hóa công việc và kế hoạch học tập cho từng người. Nhưng có một nghịch lý đáng bàn ở đây.
Nhiều nhân viên cho rằng cách duy nhất để thăng tiến trong sự nghiệp là trở thành quản lý và dẫn dắt một đội nhóm nào đó. Nhưng đây là một suy nghĩ sai lầm. Bởi không phải ai cũng phù hợp để trở thành một nhà lãnh đạo. Mỗi nhân viên đều có thế mạnh đặc biệt riêng và cần một kế hoạch phát triển phù hợp với tiềm năng của bản thân.
Không phải startup nào cũng hiểu rằng tại một nơi làm việc với ít cấp bậc quản trị và quy mô tổ chức đội nhóm nhỏ, nhân viên của họ sẽ có cơ hội phát triển năng lực nhanh hơn và cần được trang bị kế hoạch phát triển sự nghiệp phù hợp với môi trường đặc thù này. Và ngay cả với những nhà sáng lập và quản lý hiểu được điều này, họ hiếm khi chủ động trao đổi với nhân viên để hiểu được thế mạnh và nguyện vọng của nhân viên; từ đó xác định xem liệu nhân viên phù hợp hơn với vị trí quản lý hay vị trí chuyên gia trong một mảng nhất định.
Vai trò và lộ trình sự nghiệp của một chuyên gia rất khác: họ tập trung vào việc học tập và phát triển các kỹ năng và năng lực chuyên môn cụ thể, vì vậy nhà sáng lập cần thiết kế các cột mốc sự nghiệp, lộ trình thăng tiến và mức lương thưởng phản ánh được sự đóng góp của họ. Ngược lại, nhân viên cũng cần hiểu được rằng: thứ phản ánh chính xác vai trò và năng lực của họ là chức danh, chứ không nhất thiết phải là số lượng nhân viên cấp dưới.
Với những nhân viên hứng thú trở thành quản lý, bạn cần sớm thiết kế kế hoạch nhằm giúp họ làm quen với việc dẫn dắt đội nhóm. Bạn có thể đặt nhân viên vào bối cảnh thực tế để quan sát cách họ dẫn dắt, giao tiếp với đồng đội và đánh giá thành tích và mức độ hài lòng của đội nhóm khi ấy. Bởi không phải ai cũng có khả năng đồng cảm và kết nối những người xung quanh, cũng như cân bằng giữa mục tiêu kết quả công việc và phát triển con người.
Vì vậy, hãy thường xuyên trao đổi 1:1 với nhân viên để lắng nghe nguyện vọng của họ, từ đó giúp họ phát triển theo định hướng phù hợp với thế mạnh và tạo ra tối đa giá trị cho doanh nghiệp. Từ hôm nay, hãy trao đổi thẳng thắn với nhân viên rằng: “Chúng tôi sẽ trả lương dựa trên những giá trị mà bạn mang lại, chứ không dựa trên cấp bậc hoặc việc bạn có là quản lý hay không”.
2. Nhân viên cần đặt ra mục tiêu và kế hoạch sự nghiệp rõ ràng
Rất nhiều kỹ sư công nghệ và nhà phân tích dữ liệu không thể sở hữu một sản phẩm hoàn thiện nào bởi họ không dám đặt ra mục tiêu và kế hoạch cụ thể để chinh phục nguyện vọng ấy.
Vì vậy, bạn hãy thúc đẩy nhân viên đặt ra và chia sẻ thẳng thắn thắn về mục tiêu sự nghiệp; đồng thời hỗ trợ họ phát triển kế hoạch sự nghiệp. Đây cũng là cơ hội để lãnh đạo và quản lý startup kết nối mục tiêu của nhân viên với mục tiêu kinh doanh của công ty.
Và hãy ghi nhớ rằng, phát triển sự nghiệp không chỉ dừng lại ở việc thăng tiến lên một vị trí mới. Mở rộng trách nhiệm công việc, giao cho nhân viên quản lý một đội nhóm lớn hơn, yêu cầu họ dẫn dắt một dự án thách thức hay mở rộng dự án mà họ đang đảm nhận, v.v. cũng là những cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của nhân viên.
Chìa khóa ở đây là sự minh bạch. Rất có thể nhân viên của bạn không đủ can đảm để nói lên mong muốn của mình. Hãy tích cực gợi ý và khuyến khích họ làm vậy.
3. Khuyến khích nhân viên tham gia các dự án
Startup luôn có rất nhiều đầu việc thú vị và thử thách. Đây chính là môi trường lý tưởng cho những nhân viên muốn không ngừng phát triển bản thân, bởi lẽ có rất nhiều dự án nằm ngoài mô tả công việc chào đón nhân viên tham gia và giúp họ học một kỹ năng mới, mài dũa những kỹ năng hiện tại, hay trải nghiệm vị trí quản lý một đội nhóm hay một dự án.
Nhưng không nhất thiết dự án nào cũng là dự án kinh doanh hay mang tính chất chuyên môn. Bạn có thể kêu gọi nhân viên tham gia hỗ trợ nhân viên mới nhằm nhanh chóng hội nhập với tổ chức hoặc các dự án tương tự.
Môi trường dự án là cơ hội tuyệt vời để nhân viên chủ động tìm kiếm các cơ hội phù hợp với lộ trình nghề nghiệp và ở lại lâu hơn với tổ chức.
4. Tối ưu hóa việc học tập qua các kênh khác nhau
Tại startup, thời gian và ngân sách cho hoạt động học tập và phát triển rất giới hạn. Vì vậy nhân viên cần được khuyến khích trở nên chủ động với định hướng sự nghiệp của mình. Dưới sự giúp đỡ của người sáng lập và quản lý, nhân viên cần tự thiết lập mục tiêu và kế hoạch nghề nghiệp cho mình và học tập hàng ngày bằng việc tận dụng các kênh sau:
- Theo dõi cách người sáng lập và quản lý điều hành buổi họp, chuẩn bị tài liệu, lên kế hoạch, v.v. để học tập và làm theo
- Tiếp cận và nhờ sự trợ giúp từ các nhân viên kỳ cựu để trang bị cho bản thân công cụ, kiến thức và đặc biệt là tư duy đúng đắn trong công việc, sự nghiệp
- Đọc sách hoặc tham gia các khóa học trực tuyến để trau dồi kiến thức và kỹ năng
Hãy trang bị tư duy học tập cho nhân viên. Họ cần là người ham học hỏi, luôn muốn nâng cao bản thân mọi lúc và ở mọi nơi
5. Chìa khóa nằm ở việc mở rộng mạng lưới quan hệ và tư duy lãnh đạo bản thân của nhân viên
Khi nhân viên có thể chủ động mở rộng mạng lưới quan hệ của mình và có tư duy lãnh đạo bản thân, họ mới có thể trân trọng và tận dụng được vô vàn cơ hội phát triển tại startup. Lãnh đạo cần giúp nhân viên trang bị hai năng lực này và đảm bảo môi trường startup được cởi mở, công bằng; tránh rơi vào tình trạng quan liêu. Khi đó nhân viên mới không ngại chủ động tìm kiếm các cơ hội cho bản thân.
Môi trường startup không dành cho tất cả mọi người. Nhưng một khi nhân viên đã tìm được một lý do nào đó để tin tưởng và đầu quân cho công ty của bạn, hãy lắng nghe để thấu hiểu rõ hơn nguyện vọng của họ, đồng thời áp dụng 5 gợi ý trên để xây dựng tư duy đúng đắn cho nhân viên và tạo ra môi trường tối ưu cho học tập và phát triển tại startup.