Bối cảnh kinh doanh đang thay đổi với tốc độ chóng mặt. Một số năng lực như thiết lập tầm nhìn hay thực thi chiến lược vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng đối với các nhà lãnh đạo. Song song với đó, lãnh đạo cũng cần sở hữu một loạt các kỹ năng và tư duy mới để lãnh đạo hiệu quả. Đó là bởi mọi doanh nghiệp sẽ vận hành theo cách rất khác trong mười năm tới đây — và điều này đặt ra yêu cầu rất cao cho những nhà lãnh đạo đứng đầu tổ chức.
Khi tác giả kiêm diễn giả Jacob Morgan phát biểu tại các hội nghị trên toàn thế giới, ông thường đặt ra câu hỏi, "chúng ta nên dạy các nhà lãnh đạo điều gì để chuẩn bị cho tương lai?". Rất tiếc, không có nhiều nghiên cứu xoay quanh câu hỏi này, vì vậy Jacob đã tự tìm tòi và trình bày về nó trong cuốn sách mới của mình mang tên “Nhà lãnh đạo tương lai”. Để phục vụ cho việc viết sách, ông đã phỏng vấn hơn 140 Giám đốc điều hành hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới tại các công ty như Audi, Mastercard, Unilever, Oracle, SAP, Best Buy, Verizon, v.v.
Jacob đã hỏi các Giám đốc điều hành hàng loạt câu hỏi, bao gồm câu hỏi về những kỹ năng và tư duy cần thiết nhất cho những nhà lãnh đạo trong một thập kỷ tới đây. Từ những cuộc phỏng vấn đó, Jacob đã tổng hợp lại “9 điều đáng chú ý”, bao gồm 4 tư duy và 5 kỹ năng hàng đầu mà các nhà lãnh đạo tương lai cần nắm vững.
bởi TalentSite Editorial Team
9/9/2022
Getty Images
TalentSite Editorial Team
1. Công dân toàn cầu
Trong thế giới phẳng, mọi công ty đều có tiềm năng mở rộng sang thị trường quốc tế. Tư duy của một công dân toàn cầu là tư duy rộng mở và đón nhận sự đa dạng. Nhà lãnh đạo cần hiểu và trân trọng các nền văn hóa mới; chủ động tìm kiếm, xây dựng và có khả năng dẫn dắt một đội ngũ nhân tài đa dạng; cũng như nắm được bí quyết gia nhập và kinh doanh thành công tại các thị trường mới trên toàn cầu.
2. Người phục vụ
Tư duy của người phục vụ đi ngược lại với lối suy nghĩ cũ rằng lãnh đạo luôn đứng đầu công ty. Thay vì đó, lãnh đạo cần khiêm tốn và ý thức rõ ràng về vai trò tối quan trọng của mình trong việc phục vụ cho bốn đối tượng sau: khách hàng, nhân viên, những lãnh đạo khác trong doanh nghiệp (nếu có) và chính bản thân nhà lãnh đạo.
3. Tư duy của một bếp trưởng
Như cách bếp trưởng biết cách phối hợp rất nhiều nguyên liệu để cho ra món ăn hài hòa, ngon miệng; lãnh đạo cũng cần cân bằng hai “nguyên liệu” quan trọng của mọi doanh nghiệp trong tương lai: đó chính là con người và công nghệ. Hãy nắm bắt và ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất của tổ chức; đồng thời quan tâm, cung cấp cơ hội phát triển và đem lại ý nghĩa trong công việc cho nhân viên.
4. Nhà thám hiểm
Những nhà lãnh đạo trong tương lai cần tích cực khám phá những điều họ chưa biết. Bạn cần cởi mở trước những ý tưởng mới và linh hoạt thay đổi trước những biến động của thế giới xung quanh. Giống như cách nhà thám hiểm liên tục học hỏi, nhà lãnh đạo cần luôn hiếu kỳ, không ngừng tiếp thu và vận dụng những kiến thức và hiểu biết mới.
1. Người huấn luyện
Những huấn luyện viên tài ba biết cách động viên, truyền cảm hứng và gắn kết đội nhóm, đồng thời quan tâm từng thành viên trong nhóm. Tương tự, những lãnh đạo của tương lai cần quan tâm và đối xử chân thành với nhân viên thay vì chỉ coi họ là người lao động. Lãnh đạo dưới cương vị là huấn luyện viên cần giúp nhân viên phát triển để tốt hơn mỗi ngày.
2. Nhà tương lai học
Lãnh đạo cần đảm bảo rằng tổ chức không rơi vào trạng thái bất ngờ trước những biến động của tương lai. Thế giới hiện tại đang biến đổi hàng ngày và đầy rẫy những điều khó đoán định. Là nhà tương lai học, lãnh đạo sẽ tìm hiểu và dự đoán hàng loạt viễn cảnh, khả năng có thể xảy ra. Đồng thời, bạn cũng cần nắm được các xu hướng hiện tại và duy trì kết nối với mạng lưới quan hệ của mình. Đây chính là kỹ năng được đánh giá cao nhất bởi hơn 140 Giám đốc điều hành mà Jacob phỏng vấn.
3. Người sành công nghệ
Giới trẻ hiện này luôn bắt kịp các trào lưu công nghệ mới, và những nhà lãnh đạo trong tương lai cũng nên như vậy. Không nhất thiết phải là chuyên gia, nhưng bạn cần nắm bắt các xu hướng công nghệ và bí quyết để ứng dụng chúng nhằm phục vụ việc kinh doanh và quản trị doanh nghiệp.
4. Thông dịch viên
Thông dịch viên là những người giao tiếp bậc thầy. Họ biết cách lắng nghe và thấu hiểu đối phương. Tương tự, lãnh đạo cần thành thạo trong giao tiếp ngôn ngữ và giao tiếp phi ngôn ngữ để kết nối với mọi người, đồng thời xác định và sử dụng những kênh giao tiếp phù hợp nhất nhằm tôn lên thông điệp của họ. Lắng nghe và giao tiếp chính là hai kỹ năng lãnh đạo không bao giờ lỗi thời, nhưng cũng là hai khía cạnh chứng kiến nhiều sự biến đổi nhất trước xu hướng toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ thông tin.
5. Nhà tâm lý
Hàng thập kỷ vừa qua, lãnh đạo có xu hướng giấu đi cảm xúc của mình. Nhưng trong tương lai, lãnh đạo cần phát triển trí thông minh cảm xúc và sự đồng cảm, cũng như có khả năng tự nhận thức về bản thân. Đồng cảm là năng lực hiểu được cảm xúc và quan điểm của những người xung quanh. Còn tự nhận thức là năng lực hiểu được thế mạnh, điểm yếu của bản thân, cũng như giúp người khác hiểu về bạn.
Cảm ơn anh/chị đã quan tâm.
Chúng tôi sẽ liên hệ với anh/chị trong 8 giờ tới.