Những nhân viên ở lại cũng rất quan trọng. Các quản lý nên được phép tham gia lựa chọn những người mà họ muốn giữ lại — và trách nhiệm của lãnh đạo là đảm bảo tính công bằng nhất có thể trên nhiều phương diện.
Cung cấp đệm an toàn cho nhân viên
Những quyết định sa thải được nhân viên đánh giá là công bằng nhất cũng là những quyết định mà qua đó, họ được quyền lựa chọn. Ví dụ, công ty có thể cho nhân viên thời gian tìm kiếm công việc tiếp theo và cho phép họ
tự đề xuất thôi việc, hay đưa ra hỗ trợ và định hướng nhằm giúp họ có thể đi làm lại trong tương lai. Hãy sáng tạo hơn và đầu tư một chút tài chính nhằm cung cấp chiếc đệm an toàn cho nhân viên.
Đừng bỏ quên những nhân viên còn lại
Rất nhiều nhân viên nhảy việc sau một đợt sa thải tại công ty: một nghiên cứu cho thấy sa thải ảnh hưởng đến 1% lực lượng lao động và dẫn đến tỷ lệ nghỉ việc tự nguyện tăng 31%. Thị trường việc làm sôi động ngày nay cung cấp nhiều lựa chọn thay thế cho những nhân viên được giữ lại công ty, cũng là những người có xu hướng đặt câu hỏi về tính công bằng của sự việc. Những nhân viên có cam kết với tổ chức thấp có khả năng rời bỏ công ty cao gấp 2,5 lần sau khi sa thải diễn ra.
Do đó, bạn cần thuyết phục nhân viên ở lại công ty. Những nhân viên vẫn còn làm việc rất cần được nghe ba thông điệp sau: “Chúng tôi đã đối xử tốt với những đồng nghiệp đã rời đi của bạn. Chúng tôi cũng có chiến lược đáng tin cậy để cải thiện triển vọng của công ty. Và bạn giữ vai trò cụ thể, rõ ràng đối với sự thành công trong tương lai của chúng tôi”. Tất nhiên, nhân viên tin tưởng vào hành động chứ không chỉ lời nói suông, vì vậy hãy đảm bảo những câu nói này đều đồng nhất với những việc bạn đã và cam kết sẽ thực hiện.
Đưa ra lời xin lỗi công khai
Trước đây, ban lãnh đạo công ty thường lảng tránh đưa ra lời xin lỗi công khai về việc cắt giảm nhân sự. Ngược lại, ngày nay, xu hướng là các Giám đốc điều hành phải xin lỗi vì đã sa thải nhân viên.
Cách thức xin lỗi rất quan trọng. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra ba yếu tố quan trọng trong lời xin lỗi của các công ty nhằm khôi phục niềm tin đã mất như sau: (1) Thừa nhận rõ ràng những thiệt hại và xin lỗi vì những điều này; (2) giải thích lý do đằng sau sự việc; và (3) đưa ra đề nghị hỗ trợ và đền bù thiệt hại cho những nhân viên chịu ảnh hưởng. Patrick Collison, giám đốc điều hành của Stripe, gần đây đã gửi email cho toàn bộ nhân viên, trong đó thông báo cắt giảm 14% nhân sự. Trong email, ông đã trình bày lời xin lỗi một cách chân thành:
“Chúng tôi rất tiếc khi phải thực hiện bước này. John và tôi chịu hoàn toàn chịu trách nhiệm… Chúng tôi đã tuyển người vượt quá nhu cầu”.
Ngày nay, các phương tiện truyền thông xã hội và kho lưu trữ tin tức trực tuyến giúp mọi người dễ dàng tìm thấy sự mâu thuẫn trong thông điệp của các Giám đốc điều hành. Vì vậy, hãy nhất quán trong thông điệp và hành động.