Cuối cùng, lãnh đạo hoàn toàn có thể giúp nhân gắn bó và cam kết với công việc mà không bắt ép nhân viên phải làm việc một cách hối hả, đi đến kiệt sức. Thay vì cổ xúy nhân viên trở nên nghiện công việc, lãnh đạo có thể khuyến khích nhân viên tự thiết kế công việc phù hợp với thế mạnh, nhu cầu của mình để giúp tạo động lực tự thân và tối ưu hóa thành tích công việc.
Ở những doanh nghiệp có văn hóa không lành mạnh, nhân viên không có động lực để phấn đấu hết mình vì công việc, và khi đó cuộc sống của họ sẽ mất cân bằng: ví dụ như khi đảm nhiệm thêm các dự án mới, thời gian dành cho gia đình hoặc các hoạt động xã hội sẽ không còn. Nhưng khi công việc của nhân viên được thiết kế phù hợp với động lực và nhu cầu của họ, thì nhân viên sẽ được truyền năng lượng hàng ngày bởi chính công việc, chứ không coi nó như gánh nặng. Ví dụ, một vài nhân viên luôn mong muốn giúp đỡ những người xung quanh, vì vậy họ sẽ phù hợp làm việc trong các dự án có nhiều tương tác xã hội. Một vài nhân viên khác lại muốn được công chúng biết đến, vậy nên việc đề nghị họ tham gia các dự án, hoạt động thu hút ánh nhìn, sự chú ý của các nhân viên khác trong tổ chức có thể sẽ đáp ứng được nhu cầu của họ. Nhiệm vụ mang tính chủ chốt đối với quản lý đó chính là lắng nghe nhân viên, giúp nhân viên xác định sở thích, nhu cầu, động lực giúp họ làm tốt trong công việc, từ đó khuyến khích nhân viên tham gia các dự án, công việc bên ngoài những nhiệm vụ cốt lõi của họ nếu họ đủ thời gian và năng lượng.
Dù tác động của nghỉ việc trong im lặng đến tổ chức có thể không hiển hiện như Đại khủng hoảng lao động, nhưng trào lưu này có khả năng gây thiệt hại nhiều hơn rất nhiều. Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo cần khuyến khích nhân viên hoàn thành nhiệm vụ của các công việc cốt lõi, lắng nghe và tìm hiểu về nhu cầu, mong muốn của nhân viên, và tạo ra văn hóa thiết kế công việc linh hoạt — nơi nhân viên được tham gia những công việc, dự án tạo cho họ sự hứng khởi.