Chỉ tính tại Mỹ, hơn 25 triệu người đã nghỉ việc trong nửa cuối năm 2021. Và hành vi nghỉ việc có tính lan tỏa giữa những người lao động.
Tại sao lại có nhiều nhân viên nghỉ việc đến vậy? Dựa theo một báo cáo gần đây của McKinsey, phần lớn doanh nghiệp tin rằng nguyên nhân chính nằm ở lương thưởng và sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Nhưng trên thực tế, quan điểm của những nhân viên nghỉ việc lại khác. Lý do chính khiến họ rời bỏ công việc hiện tại là 1) cảm thấy không được coi trọng và 2) cảm thấy không thuộc về nơi làm việc.
Tuy nhiên, câu chuyện đối với những doanh nghiệp hàng đầu lại khác: họ đi ngược lại làn sóng nghỉ việc và chứng kiến mức độ hài lòng trong công việc của nhân viên tăng thêm 48%. Những tổ chức thành công này có những đặc điểm gì chung? — Họ đều thực hành năm nguyên tắc sau đây giúp đội nhóm kết nối và đạt thành tích cao. Nhờ vậy, các thành viên cảm thấy được coi trọng và thuộc về đội nhóm, doanh nghiệp.
bởi TalentSite Editorial Team
26/8/2022
Getty Images
TalentSite Editorial Team
Con người có thể đạt kết quả tốt hơn khi làm việc nhóm. Điều này xảy ra chỉ khi mục tiêu của cá nhân cũng là mục tiêu của đội nhóm. Đó là khi kết quả của toàn đội lớn hơn tổng thành tích của từng thành viên cộng lại. Khi ấy, mỗi thành viên đều cảm thấy bản thân là một phần của đội nhóm. Họ tìm được niềm vui trong công việc và năng suất cũng vậy mà tăng theo. Ngược lại, đội nhóm cũng có thể có tổng bằng không. Đó là khi các thành viên chỉ theo đuổi các mục đích cá nhân, do vậy thành tích của cả đội nhóm bị ảnh hưởng xấu.
Bạn có thể khiến kết quả toàn đội lớn hơn tổng thành tích của từng thành viên cộng lại bằng việc chủ động tạo ra môi trường kết nối mọi thành viên, thay vì chỉ ngăn chặn nhân viên theo đuổi các mục tiêu cá nhân một cách bị động. Các thành viên trong nhóm cần cảm thấy thoải mái, tin cậy lẫn nhau dựa trên cơ sở tình cảm chân thật chứ không mang tính chất trao đổi vì công việc. Từ đó, nhân viên sẵn sàng hỗ trợ nhau trong công việc và tôn trọng nhu cầu, nguyện vọng và cảm xúc của thành viên khác. Chúng tôi gọi đây là hành vi “chia sẻ sự thấu cảm” — một trong những mấu chốt quan trọng của một đội nhóm thành tích cao. Lãnh đạo, quản lý và đội nhóm có thể thể hiện sự đồng cảm bằng cách lắng nghe, quan tâm về cuộc sống của các thành viên — qua việc tổ chức sinh nhật hay hỏi han về con cái, gia đình và sở thích của đồng nghiệp.
Nếu đã từng tham gia một môn thể thao đồng đội, có lẽ bạn sẽ hiểu việc đạt thành tích cùng đội nhóm sẽ có sức kết nối mạnh mẽ đến nhường nào. Khi niềm khát khao chinh phục các mục tiêu lớn lao được “kích hoạt”, từng thành viên sẽ phấn đấu và vượt qua vùng an toàn của bản thân để thể hiện ngày một tốt hơn trong công việc. Niềm vui khi học hỏi và chiến thắng còn được nhân lên gấp bội khi ta chia sẻ cùng với những thành viên khác. Quả thật, những mục tiêu thách thức trong công việc sẽ giúp kết nối đội nhóm — nhưng chỉ khi đội nhóm tin rằng sự đoàn kết sẽ giúp họ thành công.
Khi xây dựng mục tiêu cho dự án lần tới, bạn hãy thử đặt ra những câu hỏi để khuyến khích từng thành viên lên kế hoạch hành động nhằm vượt qua giới hạn của bản thân để chinh phục mục tiêu chung trong công việc. Mỗi người đều cần tự nhìn nhận, học hỏi và thử nghiệm để trưởng thành hơn. Và chính trải nghiệm chung này sẽ giúp kết nối tất cả thành viên.
Con người sẽ gắn bó với đội nhóm khi cùng các thành viên chia sẻ những giá trị sống. Khiêm tốn và hiếu kỳ là hai giá trị có thể giúp thúc đẩy các mối quan hệ một cách rất hiệu quả. Khiêm tốn là khi chúng ta nhận ra giới hạn, điểm yếu của mình. Khi lãnh đạo và quản lý thể hiện sự khiêm tốn, các nhân viên trong nhóm sẽ có không gian để đóng góp và xây dựng. Từ nền tảng đó, nhân viên cũng cảm thấy an toàn để đưa ra những ý tưởng sáng tạo và đột phá. Hiếu kỳ là khi các thành viên ý thức được rằng vẫn còn rất nhiều điều mà họ cần học hỏi. Họ cảm thấy thích thú, có động lực trên hành trình học hỏi, tự thử nghiệm và trưởng thành trong công việc.
Quản lý hãy thể hiện sự khiêm tốn của mình qua việc hồi đáp góp ý từ thành viên với tư duy mở và sự ham học hỏi. Hãy luôn sẵn sàng tiếp nhận ý kiến từ thành viên để hoàn thiện kết quả công việc, thay vì áp đặt suy nghĩ và sản phẩm của mình lên đội nhóm. Và để khuyến khích sự hiếu kỳ, quản lý có thể chia sẻ niềm vui học hỏi với các thành viên qua việc gửi những mẩu kiến thức, nguồn cảm hứng trong và ngoài công việc cho nhóm.
Việc chia sẻ niềm vui — đặc biệt là niềm vui chiến thắng — sẽ giúp tăng cường sự kết nối giữa đồng đội. Áp lực chinh phục mục tiêu có thể hút cạn sự hứng khởi trong công việc. Việc ăn mừng những thành tựu (từ nhỏ đến lớn) sẽ giúp đội nhóm vừa có ý thức tập trung vào mục tiêu, vừa giúp kết nối họ xuyên suốt chặng hành trình phát triển. Quản lý có thể cân nhắc việc ghi nhận thành tựu nhỏ của nhóm và đóng góp của từng cá nhân thông qua chuyên mục được tổng hợp hàng tuần, hay đừng ngần ngại đưa ra lời khen (và khuyến khích các thành viên khác đưa ra lời khen) đối với cấp dưới trước những ý tưởng sáng giá của họ.
Khi đội nhóm hiểu được lý do “tại sao” đằng sau công việc, động lực và thành tích sẽ được thúc đẩy. Việc mỗi thành viên hiểu được tác động tích cực của công việc và cảm thấy công việc đang mang lại ý nghĩa là hai trong năm yếu tố tạo nên một đội nhóm thành tích cao (theo báo cáo của rework). Vì vậy, hãy luôn kết nối công việc của đội nhóm với những mục đích, mục tiêu cao cả để giúp mỗi thành viên ý thức được về vai trò đặc biệt của mình.
Và một cho những lý do “vì sao” thúc đẩy động lực con người mạnh mẽ nhất là sự kết nối. Công việc có đang giúp kết nối nhân viên của bạn với khách hàng, với các bộ phận khác của tổ chức đang phụ thuộc vào họ, và quan trọng hơn cả là với những người đồng đội hay không? Những đội nhóm nuôi dưỡng sự kết nối này chắc chắn sẽ thu về quả ngọt: mỗi thành viên trong nhóm sẽ bền bỉ và trưởng thành hơn thông qua những thử thách trong công việc. Đây là đội nhóm mà ai cũng muốn trở thành một phần trong đó. Khi thành công trong việc xây dựng một đội nhóm với tính gắn bó cao, chắc chắn nhân viên của bạn sẽ chẳng muốn rời đi.
Cảm ơn anh/chị đã quan tâm.
Chúng tôi sẽ liên hệ với anh/chị trong 8 giờ tới.