Tác giả Caren Maio là nhà sáng lập của Nestio. Cô là người trực tiếp phỏng vấn các ứng viên tiềm năng cho startup của mình, từ kỹ sư công nghệ đến giám đốc marketing. Theo cô, chỉ số ít ứng viên sẽ nổi bật trước nhà tuyển dụng khi phỏng vấn, và doanh nghiệp cần biết nhìn nhận và đánh giá thật chính xác.
Trên thị trường tuyển dụng của các doanh nghiệp startup, sự chênh lệch giữa cung và cầu nguồn nhân lực là rất lớn. Một hồ sơ tiềm năng là chưa đủ bởi tính cách, sự phù hợp với văn hóa tổ chức và ấn tượng khi gặp mặt cũng góp phần quyết định việc tuyển dụng một ứng viên hay không. Buổi phỏng vấn có lẽ là cơ hội duy nhất để doanh nghiệp đánh giá ứng viên một cách khách quan và trực diện. Tuy nhiên, không nhiều startup biết cách tận dụng triệt để cơ hội đặc biệt này.
Dựa trên kinh nghiệm của mình, tác giả tổng hợp một số đặc điểm tạo nên sự khác biệt giữa những nhân viên hiện tại của Nestio và những ứng viên không được tuyển dụng. Một nghiên cứu được CareerBuilder thực hiện trên 2.000 người quản lý tuyển dụng cũng đồng ý với những nhận định này. Nói cách khác, không phải ngẫu nhiên mà những startup thành công nhất đều đánh giá cao những đặc điểm sau của ứng viên:
Ứng viên đã Google về doanh nghiệp. Thoạt tưởng đây là lẽ đương nhiên, nhưng không phải ứng viên nào cũng làm được vậy. Rất nhiều ứng viên đến với buổi phỏng vấn và đặt ra nhiều câu hỏi thể hiện rằng họ không hiểu về sản phẩm hay khách hàng mục tiêu. Những thông tin về nhà tuyển dụng — và thậm chí cả người phỏng vấn — đều có thể được tìm thấy trên website, LinkedIn hoặc Crunchbase. Vì vậy, hãy đánh giá cao những ứng viên đã tìm hiểu về doanh nghiệp từ trước hơn những ứng viên còn lại.
Họ cầu tiến. Một ứng viên tiềm năng không chỉ làm được việc; họ còn thể hiện sự ham học hỏi và mong muốn được chỉ dẫn để tiến bộ trong công việc. Kỹ năng và năng lực của ứng viên có thể được bộc lộ thông qua CV và thư giới thiệu, nhưng sự ham học hỏi của họ cần được khai thác trong buổi phỏng vấn. Ví dụ như với mỗi ứng viên cho vị trí nhân viên bán hàng, hãy yêu cầu họ nhập vai thuyết trình cho khách hàng về sản phẩm — qua đó bạn có thể hiểu rõ hơn về năng lực của họ và biết được cách họ phản ứng ra sao trước những góp ý. Ứng viên tỏ ra bảo thủ, hay chỉ nói mà không đặt câu hỏi, v.v. là những tín hiệu xấu cảnh báo rằng họ không biết lắng nghe và thiếu chí tiến thủ. Những ứng viên tiềm năng nhất phải là những người cởi mở, ham học hỏi, và những phẩm chất này được thể hiện ngay cả trong buổi phỏng vấn.
Họ mang tinh thần startup đến buổi phỏng vấn. Có rất nhiều lợi ích khi làm việc cho một công ty khởi nghiệp so với khi làm việc cho một doanh nghiệp lớn, có thể kể đến như trách nhiệm trong công việc nhiều hơn và lộ trình thăng tiến nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, nhân viên sẽ không được hưởng các phúc lợi đa dạng. Do đó, những ứng viên dám xông pha, có khả năng ứng biến linh hoạt và luôn muốn giải quyết vấn đề một cách sáng tạo cần được startup đánh giá cao; và những ứng viên quan tâm đến cấp bậc trong tổ chức, quy trình làm việc quy củ, những phúc lợi xa xỉ có thể sẽ không phù hợp với môi trường này. Đối với những ứng viên phù hợp, họ bị thu hút bởi cơ hội học hỏi và phát triển khi làm việc trong môi trường startup. Bạn có thể cảm nhận “tinh thần startup” này ở ứng viên khi họ chủ động đặt ra những câu hỏi về mục tiêu trong tương lai của doanh nghiệp và liệu họ có thể phát triển sự nghiệp ở đây như thế nào.
Ứng viên chủ động như thể họ đã nhận việc. Những ứng viên tiềm năng hiểu rất rõ về vị trí ứng tuyển và tại sao họ phù hợp với công việc. Những ứng viên giỏi thậm chí sẽ thể hiện trong buổi phỏng vấn như thể họ đã làm việc ở vị trí này được vài tuần. Ví dụ, một ứng viên bán hàng giỏi sẽ chủ động đề xuất kế hoạch bán hàng cho doanh nghiệp. Đương nhiên, không phải công việc nào cũng cho phép ứng viên chủ động làm vậy. Do đó, bạn có thể đặt ra câu hỏi cho ứng viên như: “Bạn sẽ làm gì trong 30, 60 và 90 ngày đầu sau khi nhận việc?” và đưa cho họ vài gạch đầu dòng gợi ý. Khi đó, đừng quên giữ cái đầu mở và tránh áp đặt suy nghĩ và trải nghiệm của mình lên câu trả lời của ứng viên bạn nhé.
Họ thành thật với bản thân và trước giá trị của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp đều có những giá trị cốt lõi riêng, nhưng đừng kiểm tra mức độ phù hợp của ứng viên thông qua việc hỏi/xác nhận trong phỏng vấn. Liệu có ứng viên nào nói rằng họ không nhiệt thành hoặc thiếu đi sự thấu cảm hay không? Vì vậy, hãy nhấn mạnh thông tin về những giá trị mà doanh nghiệp đề cao qua bản mô tả công việc và khai thác ứng viên thông qua những câu chuyện. Nếu bản mô tả công việc truyền tải được rằng startup của bạn đề cao tinh thần đội nhóm, hãy yêu cầu ứng viên kể về trải nghiệm làm việc nhóm gần đây và kết quả mà nhóm đạt được. Qua đó, bạn có thể bước đầu lọc được những ứng viên phù hợp với văn hóa tổ chức qua bước nhận hồ sơ và lắng nghe, so sánh những dẫn chứng thực tế của họ khi phỏng vấn.
Họ thể hiện mong muốn nhận việc. Một số ứng viên sẽ gửi thư cảm ơn chân thành, lịch sự sau buổi phỏng vấn — hãy lưu ý tới những ứng viên này. Bởi không phải mọi ứng viên đều khao khát trở thành một phần của doanh nghiệp của bạn và đồng thời biết cách thể hiện mong muốn của mình một cách khéo léo.
Trên đây là những điểm quan trọng mà bạn cần khai thác trong buổi gặp gỡ ứng viên. Đó cũng có thể là những mấu chốt quyết định giúp tách biệt những ứng viên phù hợp nhất trong số những ứng viên đạt yêu cầu về mặt kỹ năng.
bởi TalentSite Editorial Team
5/9/2022
Getty Images
TalentSite Editorial Team
Cảm ơn anh/chị đã quan tâm.
Chúng tôi sẽ liên hệ với anh/chị trong 8 giờ tới.