Những tổ chức linh hoạt vận hành theo cách khác so với các tổ chức truyền thống. Vậy vai trò của lãnh đạo trong các tổ chức có tính linh hoạt cao là gì?
bởi TalentSite Editorial Team
29/6/2022
Getty Images
TalentSite Editorial Team
Ở các tổ chức truyền thống, ưu tiên của nhà lãnh đạo là tối ưu hóa lợi nhuận cho cổ đông. Để đạt được điều này, họ đảm nhận nhiệm vụ của một nhà hoạch định (xây dựng chiến lược và chuyển đổi thành kế hoạch); nhà điều hành (phân công công việc); và người kiểm soát (đảm bảo nhân viên làm đúng việc và theo sát kế hoạch đã đề ra).
Môi trường kinh doanh phức tạp ngày nay yêu cầu những thay đổi mới trong vai trò của nhà lãnh đạo. Bạn không chỉ phục vụ cổ đông mà cần tạo ra giá trị cho khách hàng, nhân viên, đối tác và cả xã hội. Nếu không, khách hàng, nhân viên, đối tác và xã hội rất dễ quay lưng với doanh nghiệp.
Người có tầm nhìn
Lãnh đạo cần thiết lập tầm nhìn và mục đích rõ ràng, thuyết phục cho doanh nghiệp — chiếc kim chỉ nam định hướng cho mọi hoạt động của tổ chức. Bạn không đơn giản tự nghĩ ra chúng mà cần quan sát và lắng nghe con người trong tổ chức, khuyến khích sự đóng góp ý kiến nhằm kết hợp những góc nhìn mới mẻ của nhân viên với những chiêm nghiệm của bản thân. Hơn nữa, lãnh đạo cũng cần làm việc với các trưởng bộ phận để biến tầm nhìn thành các mục tiêu nhất quán, có thể đo lường mà mọi nhân viên và đội nhóm cần phấn đấu để đạt được.
Kiến trúc sư
Dưới một tầm nhìn rõ ràng, lãnh đạo cần hành động như một kiến trúc sư. Cụ thể hơn, thay vì trực tiếp xây dựng kế hoạch, lãnh đạo cần lùi lại để nhìn tổ chức một cách tổng quát hơn; qua đó thiết kế tổ chức trở thành một hệ thống cởi mở, trao quyền cho nhân viên, tạo điều kiện cho các đội nhóm trong việc lên kế hoạch, thực thi và điều chỉnh nguồn lực linh hoạt để đi tới mục tiêu. Do đó, hãy tư duy một cách có hệ thống về tổ chức để liên tục thách thức, gạt bỏ những hạn chế trong hệ thống và chào đón những mô hình và quy trình tân tiến, ưu việt,
Người huấn luyện
Một khi nhân viên có điều kiện làm việc trong một hệ thống thuận lợi, họ cần trở nên nhạy bén trong kinh doanh, có khả năng tư duy chiến lược và có kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả. Do đó, việc xây dựng năng lực của nhân viên — bao gồm các khía cạnh tư duy, kiến thức, kỹ năng — trở thành ưu tiên tối quan trọng đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
Để làm được điều này, bạn cần khuyến khích hoạt động học tập của nhân viên dưới nhiều hình thức, qua nhiều sáng kiến khác nhau. Một cách lý tưởng, lãnh đạo cần thiết lập môi trường tạo điều kiện cho hoạt động trao đổi, phản biện liên tục và thẳng thắn giữa quản lý và nhân viên, giữa nhân viên và đội nhóm. Ở môi trường này, quản lý đóng vai trò là huấn luyện viên để khuyến khích nhân viên làm chủ công việc — và khi đó đội nhóm sẽ tương tác với nhau bằng việc liên tục đặt ra các câu hỏi thay vì hài lòng với giải pháp hiện tại.
Người xúc tác
Dưới cương vị này, nhà lãnh đạo cần tư duy để giải phóng tiềm lực của con người thông qua các giải pháp mang tính hệ thống. Có bốn lời giải phổ biến mà bạn có thể tham khảo như sau: gạt bỏ những trở ngại ngăn đội nhóm biến ý tưởng thành thực tế; tăng cường cộng tác xuyên suốt các bộ phận trong tổ chức; đảm bảo sự liên kết giữa các mục tiêu cấp cá nhân, phòng ban và tổ chức; và cuối cùng, khuyến khích một môi trường làm việc có tính hòa nhập cao — nơi con người trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân, luôn giữ được mức năng lượng cao, ổn định khi làm việc và có thể cân bằng được giữa công việc và cuộc sống cá nhân.
Bốn vai trò trên hiệp lực tạo thành một phong cách lãnh đạo tươi mới và mạnh mẽ hơn rất nhiều. Nó giúp nhà lãnh đạo giải phóng toàn bộ đam mê và tiềm năng của con người để mang lại tác động và giá trị lớn cho tổ chức.
Cảm ơn anh/chị đã quan tâm.
Chúng tôi sẽ liên hệ với anh/chị trong 8 giờ tới.