Như chúng ta đều biết, chìa khóa cho sự tăng trưởng bền vững của một doanh nghiệp nằm ở hiệu suất của tổ chức (cách tổ chức kiếm tiền) và sức khỏe tổ chức (cách lãnh đạo điều hành doanh nghiệp). Những doanh nghiệp chú trọng việc phát triển cân bằng hai yếu tố trên sẽ đạt được hiệu quả kinh doanh cao gấp ba lần đối thủ trên thị trường. Không dừng lại ở đó, McKinsey chỉ ra rằng doanh nghiệp còn có thể hưởng lợi nhiều hơn nữa qua việc chú trọng tập trung vào kết quả kinh doanh và sức khỏe tổ chức trên cả cấp độ tổ chức VÀ cá nhân.
Thúc đẩy thành tích (performance) và sức khỏe (health) trên nhiều cấp độ của tổ chức là một thử thách khó khăn đối với cả những nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm. Sau nhiều nghiên cứu, McKinsey đã gợi ý mô hình xây dựng năng lực tổ chức chú trọng vào việc phát triển kiến thức, kỹ năng và hành vi của nhân viên dựa trên 4 khía cạnh sau:
1. Đào tạo để nhân viên hiểu cách thức doanh nghiệp tạo ra doanh thu, lợi nhuận. Doanh nghiệp cần đảm bảo nhân viên hiểu rõ được ưu tiên chiến lược mà tổ chức theo đuổi và các mục tiêu, sáng kiến kinh doanh giúp hiện thực hóa chiến lược. Dù đó có là những đầu việc thường nhật của nhân viên hay các nỗ lực chung nhằm giảm chi phí vận hành, chuyển đổi doanh nghiệp hay mở rộng kinh doanh — nhân viên đều cần biết lý do (why) đằng sau. Vai trò của người quản lý trong việc thường xuyên truyền đạt và củng cố những thông tin này là hết sức quan trọng.
2. Đào tạo nhân viên về kiến thức quản trị (cách doanh nghiệp vận hành). Hãy giúp nhân viên hiểu vai trò của nhà lãnh đạo, nhà quản lý trong hoạt động vận hành để hiện thực hóa mục tiêu kinh doanh: bao gồm các chủ đề như củng cố và áp dụng văn hóa tổ chức, quản lý đội nhóm, thay đổi mô thức tư duy ở nhân viên, và việc thúc đẩy tinh thần trách nhiệm và liên tục cải thiện trong tổ chức.
3. Đào tạo các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng làm việc để nhân viên hoàn thành trách nhiệm công việc (cách nhân viên tạo ra giá trị). Lãnh đạo cần thiết kế các chương trình đào tạo về kỹ năng chuyên môn và kỹ năng làm việc đặt nền tảng (1) giúp nhân viên làm tốt trách nhiệm công việc hiện tại và (2) nâng cao hiệu suất công việc cũng như chinh phục các mục tiêu của tổ chức trong tương lai. Bạn có thể đối chiếu năng lực của doanh nghiệp đối với mức trung bình ngành nhằm đặt ra mục tiêu thị trường trong dài hạn và xác định khoảng trống kỹ năng cần bù đắp để đạt được mục tiêu.
4. Phát triển năng lực lãnh đạo (cách nhân viên hành xử). Hãy chỉ cho nhân viên thấy những hành vi cần có để đạt được thành tích trong công việc, như thế nào là biểu hiện tích cực và làm cách nào để áp dụng những hành vi tích cực đó trong công việc hàng ngày. Từ đó, quản lý có thể giúp từng cá nhân xây dựng được các thói quen tốt thông qua quá trình huấn luyện liên tục.
Giữa bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trong kinh doanh hiện tại, việc chỉ đào tạo cho nhân viên kỹ năng chuyên môn là chưa đủ. Thông qua việc xây dựng năng lực nhân viên trên bốn khía cạnh kể trên, doanh nghiệp có thể thu về những giá trị lớn và tạo ra ảnh hưởng ở mức độ không tưởng.
bởi TalentSite Editorial Team
6/7/2022
Getty Images
TalentSite Editorial Team
Cảm ơn anh/chị đã quan tâm.
Chúng tôi sẽ liên hệ với anh/chị trong 8 giờ tới.