Tuy đa số các tổ chức đều tôn vinh tinh thần làm việc nhóm; rất ít tổ chức xây dựng được hệ thống quản trị thành tích ghi nhận đội nhóm hiệu quả. Gần đây một số doanh nghiệp đã bắt đầu thử nghiệm và áp dụng các yếu tố quản trị thành tích dựa trên đội nhóm (team-based performance management system)
Nhiều nguyên cứu gần đây chỉ ra rằng nguyên nhân khiến các tổ chức nghi ngại về mức độ hiệu quả của hệ thống quản trị thành tích thường xoay quanh tính công bằng. Khi doanh nghiệp cải tiến toàn diện hệ thống, trong đó coi đội nhóm là đơn vị quan trọng của tổ chức, mức độ hiệu quả của hoạt động quản trị thành tích sẽ được nâng cao. Đồng thời, sự thay đổi này cũng phù hợp với xu hướng áp dụng mô hình vận hành dựa trên cấu trúc nhóm (team-based) của rất nhiều tổ chức hiện nay.
Dưới đây, chúng tôi sẽ liệt kê các bước chính của hoạt động quản trị thành tích theo đội nhóm. Chúng khá tương đồng với các mô hình quản trị thành tích cá nhân kinh điển:
1. Thiết lập mục tiêu cho đội nhóm. Chiến lược được xác định tập trung, công khai; từ đó mục tiêu được phân chia cho các đội nhóm và được quản trị thông qua quy trình Đánh giá hàng quý. Các đội nhóm xác định rằng họ cần làm gì (what), làm như thế nào (how) để đạt được mục tiêu.
2. Đánh giá thành tích nhóm. Một tổ chức cấu trúc nhóm (team-based organization) cần đánh giá và ghi nhận kết quả của cả nhóm thay vì chỉ quan tâm tới mức độ đóng góp của từng cá nhân. Hiện nay, rất nhiều công ty đã thiết lập bộ chuẩn mực hành vi và tiến hành đánh giá nhân viên dựa trên cả nỗ lực cá nhân và những biểu hiện hành vi khi làm việc nhóm (ví dụ như khả năng cộng tác hay mức độ đáng tin cậy).
3. Phản hồi và cải thiện thành tích nhóm. Việc liên tục phản hồi thành tích sẽ mang lại tác động tích cực lên hiệu suất nhóm, đồng thời cũng giúp ích cho các buổi đánh giá thành tích định kỳ diễn ra hiệu quả. Có thể nói đây chính là bước quan trọng nhất trong chuỗi hoạt động quản trị thành tích. Ngoài ra, doanh nghiệp nên lưu ý rằng phản hồi thành tích nhóm cần dựa trên nền tảng là bộ chuẩn mực hành vi. Bộ chuẩn mực hành vi này chỉ ra rõ những hành vi mà doanh nghiệp mong muốn nhìn thấy ở nhân viên và đội nhóm.
4. Ghi nhận và tương thưởng cho nhóm. Lý thuyết về động lực nội tại giúp thúc đẩy thành tích cá nhân cũng được áp dụng cho hoạt động quản trị thành tích nhóm. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tài chính không phải là yếu tố duy nhất và quan trọng nhất trong việc động viên nhân viên làm việc hiệu quả. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể thưởng cho đội nhóm bằng việc đầu tư vào sáng kiến của họ hoặc cho phép họ thực hiện các dự án mong muốn.
5. Xây dựng văn hóa minh bạch. Việc áp dụng quản trị thành tích dựa trên đội nhóm đòi hỏi sự minh bạch trong tổ chức. Khi các đội nhóm minh bạch về thành tích của mình, kết quả công việc sẽ được liên tục cải thiện do các nhà lãnh đạo có thể khám phá ra vấn đề mấu chốt để giúp các đội nhóm nâng cao thành tích, đồng thời chia sẻ về phương pháp làm việc nhóm hiệu quả và nâng cao nhận thức của nhân viên về chuẩn mực hành vi trong tổ chức. Đội nhóm không chỉ tự đánh giá thành tích của mình qua việc phản hồi liên tục mà còn có cơ hội quan sát, học hỏi từ lãnh đạo và các đội nhóm hiệu suất cao trong doanh nghiệp.
Để xây dựng tổ chức sẵn sàng cho tương lai, các nhà lãnh đạo cần thúc đẩy và trao quyền cho đội nhóm để vượt qua các bối cảnh khó khăn và đạt được mục tiêu như đã cam kết. Một hệ thống quản trị thành tích nhóm không chỉ đảm bảo các nhóm được công nhận và khen thưởng công bằng mà còn giúp nâng cao năng lực của các doanh nghiệp có cấu trúc tổ chức nhóm.
Những tổ chức cấp tiến nhất đã thay đổi — liệu doanh nghiệp của bạn đã sẵn sàng chưa?
bởi TalentSite Editorial Team
17/6/2022
Getty Images
TalentSite Editorial Team
Cảm ơn anh/chị đã quan tâm.
Chúng tôi sẽ liên hệ với anh/chị trong 8 giờ tới.