Để chinh phục được lòng tin của nhân viên, các doanh nghiệp cần cạnh tranh trên khía cạnh văn hóa tổ chức. Đây cũng sẽ là xu hướng chủ đạo trong tương lai.
Hơn bao giờ hết, nhân viên đang mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống và không ngần ngại tìm kiếm những cơ hội khác cho bản thân, do đó, tỷ lệ nghỉ việc đang ở ngưỡng cao nhất trong lịch sử. Những phong trào vận động cho quyền của người lao động đang diễn ra sôi nổi ở một vài quốc gia trên thế giới, và hứa hẹn sẽ lan tỏa mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu trong tương lai gần.
Chưa dừng lại ở đó, nhận thức về các vấn đề xã hội của thế hệ người lao động hiện nay đang cao hơn bao giờ hết. Nhân viên
mong muốn và yêu cầu doanh nghiệp đầu tư vào các mục tiêu phát triển bền vững (trên khía cạnh môi trường, xã hội và quản trị) bên cạnh việc tập trung cho các mục tiêu kinh doanh. Họ cũng yêu cầu doanh nghiệp triển khai các chính sách về đa dạng, bình đẳng và hòa nhập tại nơi làm việc. Nhân viên ngày nay đủ hiểu biết để nhìn ra và nêu lên các thiếu sót về vấn đề phát triển con người tại doanh nghiệp. Ví dụ, một công ty tuyển dụng nhân sự theo chính sách bình đẳng giới sẽ buộc phải tuân theo nguyên tắc này trong các chương trình phát triển nhân tài và thăng tiến.
Lãnh đạo của tương lai cũng cần hiểu rằng, thay vì ngày càng dựng lên rào cản đối với các ứng viên tiềm năng, doanh nghiệp phải dần gỡ bỏ chúng. Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp lớn không tuyển dụng dựa trên bằng cấp mà ưu tiên các chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ kỹ năng và năng lực thực sự của ứng viên.
Doanh nghiệp trong tương lai cũng sẽ minh bạch về sự công bằng trong lương thưởng và thăng tiến bằng cách sử dụng các công cụ kỹ thuật số để theo dõi và phản ánh kết quả này một cách công khai.